Xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho Văn miếu Mao Điền
Tối 16/12, tại huyện Cẩm Giàng, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho Di tích Văn miếu Mao Điền, Cụm di tích Đền Xưa-Chùa Giám-Đền Bia; Bằng công nhận huyện Cẩm Giàng đạt chuẩn nông thôn mới và Huân chương Lao động hạng Nhất tặng thưởng huyện này.
Văn miếu Mao Điền. (Nguồn: camgiang.haiduong.gov.vn)
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, tỉnh Hải Dương và đông đảo nhân dân trên địa bàn.
Tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Huân chương Lao động hạng Nhất và Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới cho nhân dân và cán bộ huyện Cẩm Giàng.
Văn miếu Mao Điền là nơi kế thừa và tiếp nối của Văn miếu trấn Hải Dương xưa. Di tích được khởi dựng vào thời Lê Sơ (thế kỷ XV) tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, nay là xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang.
Cùng thời với Văn miếu là Trường thi Hương được xây dựng tại xã Mao Điền, tổng Mao Điền nay thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng. Đến thời Tây Sơn (1788-1802), Văn miếu được di chuyển từ Vĩnh Lại về Mao Điền, hợp nhất với Trường thi Hương trấn Hải Dương và trở thành nơi đào tạo hàng nghìn cử nhân, tiến sỹ Nho học, đứng hàng đầu cả nước.
Sau nhiều lần được đầu tư, tôn tạo, Văn miếu Mao Điền hiện nay trở thành nơi tôn vinh tài năng, công đức của Đức Khổng Tử cùng các vị Đại khoa tiêu biểu của Việt Nam và người Hải Dương qua các thời kỳ. Sự ra đời, tồn tại của Văn miếu Mao Điền chứng minh vùng đất xứ Đông xưa, Hải Dương nay là vùng đất học, đất danh nhân, đất văn hiến.
Cụm di tích Đền Xưa - Chùa Giám - Đền Bia là bằng chứng vật chất về cấp độ nổi tiếng và sức lan tỏa ảnh hưởng của Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh, người được nhân dân suy tôn là vị Thánh thuốc Nam. Đền Xưa, ở xã Cẩm Vũ (là quê hương, nơi sinh ra Tuệ Tĩnh); Chùa Giám, ở xã Cẩm Sơn, là nơi ông tu tập, học hành thi đỗ Tiến sĩ Hoàng giáp và cũng là nơi ông nghiên cứu, sáng tạo các bài thuốc dân gian để thực hành y đức trị bệnh cứu người; Đền Bia, ở xã Cẩm Văn, thờ phụng đại danh y, nơi đây có tấm Bia đá ghi lời di nguyện của đại danh y.
Tại Chùa Giám đang lưu giữ tòa Cửu phẩm liên hoa, một trong 3 kiệt tác kiến trúc gỗ Phật giáo chỉ xuất hiện vào thế kỷ XVII, công trình đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015.
Huyện Cẩm Giàng nằm phía Tây Bắc tỉnh Hải Dương, có diện tích 110,11km2, dân số trên 137.000 người. Huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 6.400ha; trong đó diện tích sản xuất chuyên canh cây cà rốt của Cẩm Giàng lớn nhất miền Bắc với trên 700ha/năm.
Cẩm Giàng đã có 17/17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; huyện đã thực hiện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Sau 8 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo Cẩm Giàng đã có nhiều thay đổi, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực, sản xuất nông nghiệp, đời sống và thu nhập của người dân nâng lên rõ rệt.
Từ năm 2011 đến nay, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới đạt trên 1.976 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 618,7 tỷ đồng, vốn tín dụng là 928,6 tỷ đồng, huy động của cộng đồng dân cư là trên 148 tỷ đồng, còn lại là từ những nguồn khác. Tất cả các đường trục xã, liên xã, ngõ xóm đã được nhựa hóa, bêtông hóa.
Hiện nay, Cẩm Giàng là huyện duy nhất của Hải Dương có 100% số trường phổ thông trung học đạt chuẩn quốc gia. 100% số xã trong huyện đều có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; các xã đều có nhà văn hóa đa năng, các thôn đều có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu thể thao... đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.
Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 42 triệu đồng, tăng 2,15 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,47%. Huyện đã hình thành được một số vùng nông sản có hiệu quả kinh tế cao như cà rốt, dưa hấu, rau củ, quả … Các vùng sản xuất tập trung cho thu nhập từ 300 đến 500 triệu/ha/năm.
Đến nay, tất cả các xã, thị trấn của huyện có bãi chôn lấp rác thải tập trung; thành lập các tổ, đội thu gom rác thải thường xuyên hoạt động, đảm bảo vệ sinh môi trường. Các thôn, khu dân cư đều xây dựng hương ước, quy ước trong đó có nội dung bảo vệ môi trường.
Với sự kiện Cẩm Giàng đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay, Hải Dương đã có 77,5% số xã và 3 đơn vị cấp huyện (các huyện Cẩm Giàng, Kinh Môn và thị xã Chí Linh) hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hải Dương đã có 4 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt gồm: Côn Sơn - Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh); Quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (huyện Kinh Môn); Văn miếu Mao Điền và Cụm di tích Đền Xưa - Chùa Giám - Đền Bia (huyện Cẩm Giàng)./.
Nguồn: TTXVN