Hà Giang: Đặc sắc Lễ hội Hoàng Vần Thùng gắn với Tết cổ truyền Khu Cù Tê
Tháng 7 âm lịch hàng năm, bà con dân tộc La Chí, Nùng, Dao tại xã Bản Díu, huyện Xín Mần (Hà Giang) tổ chức lễ dâng hương và lễ vật để tỏ lòng thành kính với người đã có công truyền dạy nghề nông và giữ gìn đất đai. Tết Khu Cù Tê là Lễ hội cổ truyền mang nét văn hóa riêng của bà con dân tộc La Chí; với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi…
Nghi thức dâng lễ vật lên Đền thờ Hoàng Vần Thùng. Ảnh: Trọng Toan
Ngày 21/8, tại xa Bản Díu diễn ra Lễ hội Hoàng Vần Thùng gắn với tết Khu Cù Tê của đồng bào dân tộc La Chí. Tới dự có lãnh đạo huyện và các phòng, ban trong huyện cùng đông đảo bà con nhân dân và khách thập phương.
Lễ hội Hoàng Vần Thùng và Tết Khu Cù Tê là Lễ hội dân gian truyền thống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là Lễ hội tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng và sức lan tỏa đến cộng đồng các dân tộc La Chí, Tày, Nùng, Mông, Dao… trên địa bàn các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Quang Bình và Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang. Lễ hội Hoàng Vần Thùng tổ chức để tưởng nhớ người anh hùng của dân tộc La Chí.
Hoàng Vần Thùng là nhân vật được thần thánh hóa lưu truyền trong đời sống đấu tranh, lao động sản xuất, xây dựng đời sống cộng đồng của đồng bào dân tộc La Chí xã Bản Díu, huyện Xín Mần và một số xã lân cận như: Bản Máy, Bản Phùng, Bản Pắng( Hoàng Su Phì) từ bao đời nay. Đồng bào La Chí tin rằng, ông là người dẹp loạn, yên dân, khai mở sự nghiệp, tổ chức đồng bào làm ăn, xây dựng và bảo vệ cuộc sống cộng đồng từ thủa khai thiên, lập nghiệp, giữ nước. sau đó hóa thân về trời. Dấu vết tương truyền để lại cho đến ngày nay tại một số thôn: Ngam Lim, Díu Thượng, Na Lũng… xã Bản Díu là 12 ngôi mộ lớn nhỏ khác nhau được cho là những ngôi mộ Hoàng Vần Thùng sau khi hóa thân về trời để lại.
Tưởng nhớ công lao của Hoàng Vần Thùng hàng năm, vào ngày Thìn, tháng Thìn, đồng bào làm lễ dâng hương tưởng nhớ công lao của ông. Vào tháng 7 âm lịch hàng năm, đồng bào La Chí lại tổ chức giết trâu làm Lễ ăn tết gọi là Lễ Khu Cù Tê, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi, nảy nở, cầu cho con người sống đoàn kết, yêu thương… Giá trị tinh thần của Lễ hội Hoàng Vần Thùng và Lễ hội Tết Khu Cù Tê của đồng bào La Chí được đánh giá rất cao có sức lan tỏa trong đời sống văn hóa cộng đồng về tinh thần đoàn kết, tình yêu thương con người cùng nhau xây dựng, bảo vệ đất nước.
Lễ hội Hoàng Vần Thùng gắn với Tết Khu Cù Tê của cộng đồng người La Chí ở các huyện phía Tây của tỉnh giữ một vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc gắn kết cộng đồng, củng cố tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc cùng chung sống trên địa bàn.
Việc tổ chức Tết Khu Cù Tê, đầu tiên là việc bầu ra người chủ trì của cộng đồng La Chí, người này được gọi là “Mổ cóc”, là người có uy tín trong cộng đồng. Những người giúp việc cho “Mổ cóc” gọi là “So vé”. Ngày Tý được quy định là ngày mổ trâu của cộng đồng, thịt trâu là thực phẩm bắt buộc phải có để cúng Tổ tiên trong ngày Tết Khu Cù Tê. Mỗi dòng họ chung nhau mổ một con trâu, Trưởng họ sẽ là người giữ đôi sừng trâu. Sừng trâu là vật không thể thiếu trong lễ cúng của người La Chí. Sừng trâu được rửa sạch, đem phơi nắng, cưa ngắn bớt phần cuối sừng và khoan một lỗ tại phần nhọn của sừng, xỏ một dây để treo.
Sừng trâu được treo cùng chiếc giỏ và một củ gừng ở gian giữa có bàn thờ Tổ tiên, sau đó Trưởng họ bắt đầu cúng gọi linh hồn Tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu, mời Tổ tiên uống nước cà đắng, ăn thịt trâu và uống rượu. Sau khi bài cúng kết thúc, chiêng, trống nổi lên, bà con mời khách gần xa cùng ăn thịt trâu mà dân bản nuôi được, cùng ăn xôi mà dân bản trồng được trên mảnh đất Bản Díu màu mỡ, cùng uống rượu ngọt như tấm lòng thảo thơm của người La Chí nơi đây.
Lễ hội Hoàng Vần Thùng gắn với Tết Khu Cù Tê của dân tộc La Chí huyện Xín Mần năm 2018 được tổ chức gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng các ngày lễ lớn, với nhiều nội dung và hình thức như: Thi đấu các môn thể thao, hội thi văn nghệ, trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, chương trình tái hiện truyền thuyết Hoàng Vần Thùng…
Đối với cộng đồng người La Chí, Tết Khu Cù Tê và lễ hội Hoàng Vần Thùng là dịp những người trong dòng họ gặp nhau, đến ngày Tết dù ở xa cũng trở về bên gia đình, dòng tộc cùng ăn uống hàn huyên tâm sự, thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng, cầu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc...
Thông qua việc tổ chức Lễ hội nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, nâng cao ý thức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; đồng thời phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em trên địa bàn.
Nguồn: vanhien.vn