Thấy gì từ các quốc gia tốt bụng: Người yêu người sống để yêu nhau
Sự tử tế đang giúp chúng ta chèo chống qua dịch Covid-19. Nhưng ở những quốc gia tốt bụng, truyền thống hào phóng và giúp đỡ nhau đã có từ hàng thế kỷ.
Sự tử tế không phải chuyện cao siêu. Nó có thể chỉ đơn giản như câu chuyện người Ý đứng hát đồng thanh trên ban công, hay mọi người vỗ tay cảm ơn các chuyên gia tuyến đầu chống dịch Covid-19. Những cử chỉ nhỏ nhưng cao đẹp ấy như tiếp sức mạnh cho chúng ta vượt qua đại dịch. Cùng với nhau, chúng ta có thể vượt qua nỗi sợ hãi.
Nhưng sự tử tế ấy không chỉ có trong thời dịch bệnh,mà đã xuất hiện trong các thần thoại Hy Lạp hay áng thơ ca của các thi sĩ Ba Tư. Các quốc gia tốt bụng vẫn luôn tồn tại giữa những ngày bình thường nhất.
Philoxenia, Hy Lạp
Ở Hy Lạp, bất kỳ vị khách nào cũng được đối xử như những khách mời danh dự. Lời mời ăn tối đơn giản có thể biến thành bữa tiệc thực sự, mà ở đó, ly rượu vang của khách được chuẩn bị chu đáo. Dù điều đó khá phổ biến ngày nay, nhưng Hy Lạp cổ đại được xem là nơi "phát minh" ra sự lịch thiệp này.
Theo tích Hy Lạp cổ đại, hiếu khách... do các vị thần truyền lại. Đặc biệt là thần Zeus Xenios. Thần Zeus tối cao có nhiều tên gọi, và mỗi tên thì ông lại có chức trách khác nhau. Khi "mang tên" Xenios, ông là vị thần của lòng hiếu khách và các vị khách, luôn sẵn sàng trừng phạt những hành vi sai trái đối với những người khách lạ.
Người Hy Lạp tôn sùng Zeus là thế, nên nếu thấy một vị du khách mệt mỏi ngồi ở bậc thang, chủ nhà có nghĩa vụ chào đón bằng đồ ăn và chỗ trú ấm áp trước khi hỏi bất kỳ điều gì, cho dù họ có biết người khách ấy hay không. Có qua có lại, khách cũng phải thể hiện sự tôn trọng chủ nhà bằng việc nán lại càng lâu càng tốt, trong khả năng có thể và cần thiết. Nếu một trong hai bên "quên" nghĩa vụ của mình, họ sẽ phải đối mặt với cơn thịnh nộ thần thánh.
Ghép từ chữ xenia (người lạ) và philo (chăm sóc), philoxenia là từ thể hiện sự mến khách của người Hy Lạp. Bạn dễ dàng thấy điều đó trong các tác phẩm của Homer. Chẳng hạn, thiên sử thi Odyssey nổi tiếng đã cho thấy sự tử tế không ngừng trong hành trình nhân vật chính tìm về xứ Ithaca. Iliad lại cho thấy Hy Lạp là một quốc gia tốt bụng, nhưng cơn thịnh nộ của họ cũng cực kỳ đáng sợ khi có kẻ chà đạp lên lòng mến khách, ấy là Cuộc chiến thành Troia, xảy ra khi Paris rời khỏi Sparta và quyến rũ luôn cô vợ của ông chủ nhà.
Cùng với lòng hiếu khách, truyền thống tử tế này vẫn được duy trì cho đến ngày nay thông qua những cử chỉ nhỏ như nở một nụ cười thân thiện với người lạ, hoặc đưa một du khách lạc đường đến tận nơi thay vì chỉ chỉ đường.
Taarof, Iran
Tuyết thường chẳng rơi xuống Mashhad, nằm trong vùng núi đông bắc Iran, cho đến tháng 1. Nhưng cũng có những lúc “trái gió trở trời”. Có năm, đến tháng 12, thành phố này đã cực kỳ lạnh giá. Vào tháng 12/2015, báo chí rần rần đưa tin về một người ẩn danh đã xuống đường, sơn tường màu sắc tươi sáng, làm móc treo và treo một ít đồ lên đó với dòng chữ bên dưới có nội dung vô cùng quen thuộc với những người đang trải qua Covid-19 hôm nay: Nếu bạn không cần, đừng lấy. Nếu bạn thực sự cần, hãy cứ lấy.
Cư dân Mashhad đã hưởng ứng nhiệt tình, quyên tặng mọi quần áo ấm họ có thể không cần. Ngay lập tức, điều này gây chú ý trên mạng xã hội, “những bức tường tốt bụng” nhanh chóng lan rộng khắp Iran và hơn thế nữa, còn xuất hiện dưới nhiều biến thể.
Tiệm bánh bỏ bánh mì vào giỏ để những người không có tiền có thể tự lấy bánh miễn phí. Những người đánh đan guitar khắp các phố với biển nhấp nháy viết rằng hãy cứ lấy tiền nếu bạn cần. Các cửa hàng thức ăn nhanh của Tehran tung ra hệ thống cho phép khách hàng có thể trả thêm tiền cho một suất ăn nữa và suất đó sẽ dành cho những người kém may mắn, gợi nhớ đến truyền thống caffè sospeso (cà phê cho người lạ) của người Ý.
Mặc dù từ thiện luôn là phong tục quan trọng của người Hồi giáo, “những bức tường tốt bụng” còn đi xa hơn thế. Sự tử tế cũng thể hiện trong taarof, nghi thức xã giao của người Ba Tư luôn nhấn mạnh phép lịch sự giữ vị trí danh dự trong mọi tương tác xã hội. Bất chấp đại dịch Covid-19 đang thử thách tinh thần từ thiện của quốc gia đến mức giới hạn, những cử chỉ ân cần ở quốc gia tốt bụng này đối với người lạ vẫn tiếp tục cho đến hôm nay.
Ubuntu, Nam Phi
Từ này xuất phát từ các ngôn ngữ Nguni được sử dụng bởi một số dân tộc đầu tiên của châu Phi. Nhưng phải đến thế kỷ 19 ubuntu mới xuất hiện trong các văn bản chính thức, nổi lên trong lúc Nam Phi chuyển từ chế độ phân biệt chủng tộc sang chế độ dân chủ.
Định nghĩa về ubuntu đã thay đổi trong những năm qua, nhưng câu “umuntu ngumuntu ngabantu” (một người biết mình qua những người xung quanh, cũng hơi na ná câu “Hãy cho tôi biết bạn bè của bạn là ai, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào” hoặc dân dã hơn là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”) vẫn thường được sử dụng để mô tả khái niệm ubuntu.
Thực tế, ubuntu là niềm tin liên kết cộng đồng quan trọng hơn là chia bè chia phái. Như Nelson Mandela đã từng viết: “Chúng ta chỉ có thể là con người thông qua nhân tính của người khác. Nếu chúng ta hoàn thành bất cứ điều gì trên thế giới này, thì điều đó là nhờ công việc và thành tựu của người khác.” Ở Nam Phi, triết lý ấy thể hiện ở sự tử tế và lòng trắc ẩn, đặc biệt là đối với những người thuộc các nền văn hóa khác nhau.
Cựu tổng giám mục người Nam Phi Desmond Tutu đã khai thác khái niệm ubuntu khi lãnh đạo Ủy ban Hòa giải và Sự thật vào giữa những năm 1990, nhận ra tầm quan trọng của sự tha thứ, hòa giải và chung sống hòa bình. Theo Tutu, ubuntu nói rằng bạn không thể sống một mình. Nó nói về sự kết nối. Bạn không thể sống ung dung một mình. Và khi bạn có phẩm chất ubuntu, tức là bạn rất hào phóng.
Nguồn Internet