Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên): Kết nối giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch
Làng nhà sàn Thái Hải tên gọi đầy đủ là Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, với diện tích khoảng 25ha đây là nơi quy tụ và gìn giữ của hơn 30 ngôi nhà sàn có tuổi đời ngót nghét trăm năm. Các ngôi nhà sàn này đều được chuyển từ khu ATK Định Hóa Thái Nguyên và được phục dựng nguyên bản lại với mục đích gìn giữ và bảo tồn.
Với ý tưởng tâm huyết là không chỉ giữ lại phần xác và quan trọng là giữ lại phần hồn, một bản làng thực sự được hình thành giữa bốn bề đồi múi và được thổi hồn, thổi sức sống bởi những người con dân tộc Tày, Nùng, Thái, Kinh, Dao, Sán Chay cùng sinh sống bên trong những ngôi nhà cổ. Thậm chí, có những gia đình 4 thế hệ cùng sinh sống trong những ngôi nhà sàn, tạo thành bản làng với mối quan hệ cộng đồng, làng xã vô cùng gắn kết.
Có lẽ đó cũng là lý do mà Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải ra đời, với sứ mệnh gìn giữ những giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Tày, cụ thể là dân tộc Tày vùng An toàn khu kháng chiến Định Hóa – Thái Nguyên.
Với hướng đi như vậy, nên dù mới phục vụ du lịch cách đây vài năm nhưng Làng nhà sàn Thái Hải được coi như là một trong ít những điểm du lịch tiêu biểu nhất của Thái Nguyên về chất lượng phục vụ và tính độc đáo của điểm đến, một khu du lịch văn hóa cộng đồng.
Tuy nhiên, khác với nhiều khu du lịch cộng đồng khác, Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải có sự đặc biệt bởi những “nhân viên” của khu du lịch cũng chính là những người dân sinh sống và làm việc tại bản làng. Du khách tham quan bản làng và cùng hòa mình với cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất thường ngày từ trồng trọt, chăn nuôi… của đồng bào và trải nghiệm những đặc sắc văn hóa trong cộng đồng, trong một gia đình lớn, gia đình của tất cả các thành viên Thái Hải.
Cùng với các kiến trúc nhà sàn, văn hóa của người Tày được các gia đình gìn giữ. Từ những vật dụng gia đình như cối xay thóc, cối giã gạo bằng nước, bồ đan… đến trang phục dân tộc, phụ kiện, ẩm thực đều tuân thủ theo đúng nét văn hóa cổ truyền của dân tộc Tày. Thậm chí, ngay tại bản làng Thái Hải cũng có riêng một nhà sàn bảo tồn thuốc nam lưu giữ các bài thuốc nam từ nhiều đời để phục vụ cho sức khỏe của dân làng, đồng thời là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc. Các giá trị di sản văn hóa phi vật thể như tâm linh tín ngưỡng, không khí văn hóa văn nghệ dân gian truyền thống (như các giai điệu đàn tính, hát then, những điệu nhảy vui tươi, lời hát Sli, hát lượn…), văn hóa gia phong, tôn ti trật tự ứng xử đặc biệt là ngôn ngữ dân tộc luôn được gìn giữ.
Những năm gần đây, với những thế mạnh riêng có, Khu Bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc Sinh thái Thái Hải đã và đang triển khai nhiều hoạt động cho du khách gắn liền với những giá trị di sản văn hóa của dân tộc Tày. Cùng với “khu bảo tồn” nơi các gia đình đồng bào các dân tôc sinh sống là các khu dịch vụ với nhà lá dài gần 100m ven hồ, mát mẻ và có thể tổ chức các chương trình liên hoan, hội họp lớn; khu nghỉ dưỡng trong hệ thống các nhà sàn sạch sẽ, vừa thoáng mát vừa ấm áp; không gian ngoài trời… là nơi tổ chức nhiều hoạt động phục vụ du khách.
Cùng hòa mình vào không khí vui tươi của bản làng, hòa mình vào văn hóa truyền thống và đặc biệt là thưởng thức văn hóa ẩm thực và văn nghệ dân gian đã để lại những ấn tượng khó quên đối với du khách.
Với những thành công trong việc gắn bảo tồn những giá trị di sản và phát triển du lịch, Khu Bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc Sinh thái Thái Hải đã giành được nhiều giải thưởng du lịch quốc tế, mà gần đây nhất là giải thưởng du lịch ASEAN. Đây cũng là điển hình thành công trong việc xã hội hóa du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, để những di sản thực sự có sức sống, điều mà rất ít các đơn vị hiện nay có thể làm được./.
Nguồn: toquoc.vn