Nhiều giải pháp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể
Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đến công tác bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt là những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số di sản đang có nguy cơ bị mai một và gặp khó khăn trong việc bảo tồn.
Nghề thêu thổ cẩm truyền thống của người Xa Phó ở Nậm Sài (Sa Pa).
Trong 4 năm qua, để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia về “Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Xa Phó” ở xã Nậm Sài, huyện Sa Pa, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ bảo tồn nghề thêu thổ cẩm, như thành lập câu lạc bộ thêu thổ cẩm, với 42 thành viên tham gia; đầu tư xây dựng nhà trưng bày thổ cẩm kết hợp bán, quảng bá các mặt hàng thổ cẩm của người Xa Phó tại địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Vậy nhưng sau một thời gian hoạt động, câu lạc bộ thổ cẩm này đang gặp không ít khó khăn.
Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi có dịp trở lại tham quan Nhà trưng bày thổ cẩm Xa Phó tại trung tâm xã Nậm Sài. Hình ảnh những phụ nữ Xa Phó vừa thêu thùa, vừa nói chuyện rôm rả trong câu lạc bộ thêu đã không còn, thay vào đó là cảnh “cửa đóng then cài”. Nhìn qua khe cửa kính vào gian trưng bày, chúng tôi thấy không còn sản phẩm thổ cẩm tại đây. Liên hệ với các thành viên của câu lạc bộ thêu thổ cẩm, chúng tôi được biết, từ hơn nửa năm nay, sau khi bán hết các sản phẩm trưng bày, câu lạc bộ không làm thêm nữa.
Nói về những khó khăn để duy trì hoạt động của câu lạc bộ, chị Lý Thị Ngay, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thổ cẩm Xa Phó, Nậm Sài chia sẻ: Ban đầu, câu lạc bộ phát triển khá tốt nhờ sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hải Dương trong việc tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, sau vài lần doanh nghiệp đặt hàng nhưng câu lạc bộ không đáp ứng được về số lượng, thời gian giao hàng, nên đối tác không đặt hàng nữa. Chị Ngay lắc đầu bảo: “Để câu lạc bộ đáp ứng được yêu cầu của các đơn hàng thì cần phải có vốn đầu tư, nhưng các hộ dân ở đây đa phần còn nghèo; mặt khác, nguồn nguyên liệu cũng hạn chế, đây là trở ngại lớn trong việc phát triển và bảo tồn nghề thêu thổ cẩm”.
Không chỉ “Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Xa Phó”, mà di sản văn hóa phi vật thể quốc gia về “Nghệ thuật The (múa)” của dân tộc Tày ở xã Tà Chải, huyện Bắc Hà cũng đang có nguy cơ mai một. Nghệ thuật The ở Tà Chải có từ khoảng thế kỷ XVIII, được phát triển từ phần hội của nghi lễ Xuống đồng, lễ Cầu mùa. Đây là nét văn hóa quan trọng nhất của cộng đồng người Tày Bắc Hà.
Được biết, thời gian qua, huyện Bắc Hà đã có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của nghệ thuật The. Ông Nguyễn Văn Luyện, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Hà cho biết: Để bảo tồn nghệ thuật The, Bắc Hà đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân, trọng điểm là vùng dân tộc Tày; đồng thời, khuyến khích các địa phương xây dựng đội văn nghệ để biểu diễn múa The phục vụ du lịch. Tuy nhiên, việc bảo tồn vẫn còn không ít khó khăn, một phần do kinh phí hỗ trợ tại địa phương còn hạn chế. Tuy nghệ thuật The của người Tày đang được huyện đưa vào trường học tại các xã ở Tà Chải, Na Hối, nhưng mới chỉ là những bài đơn giản để giúp học sinh biết được đó là loại hình nghệ thuật đặc sắc và quan trọng của dân tộc mình, của địa phương mình.
Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay, tỉnh có 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có nguy cơ mai một cần được ưu tiên bảo tồn, gồm: Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Xa Phó tại xã Nậm Sài (Sa Pa), xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai); Nghệ thuật The (múa) của người Tày tại xã Tà Chải (Bắc Hà); Tết Sử giề pà của người Bố Y xã Thanh Bình và thị trấn Mường Khương (Mường Khương); Nghi lễ Then của dân tộc Tày tại các xã: Hòa Mạc, Võ Lao, Minh Lương (Văn Bàn), Bản Hồ (Sa Pa), Nghĩa Đô, Lương Sơn (Bảo Yên) và Phú Nhuận, Gia Phú (Bảo Thắng).
Ngoài ra, một số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng cần phục dựng, lưu giữ như: Chữ Nôm của người Dao đỏ tại xã Tả Phìn (Sa Pa), người Dao tuyển ở xã Bản Phiệt (Bảo Thắng), người Dao họ ở xã Tân An (Văn Bàn); Nghệ thuật chạm khắc bạc của người Mông xã Hầu Thào (Sa Pa)...
Ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Hiện ngành đang triển khai nhiều chính sách bảo tồn, nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, điển hình như Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh” hay Đề án về “Phát triển Văn hóa - Thể thao trên địa bàn”, trong đó đều có những chính sách bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể. Theo đó, chú trọng tổ chức truyền dạy kỹ năng, kỹ thuật, cách thức tổ chức nghi lễ, bảo vệ và phát huy các di sản trong cộng đồng dân tộc địa phương, kết hợp hướng dẫn các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo hướng “bảo tồn sống” trong cộng đồng... Các nội dung thực hiện được chia theo giai đoạn từ năm 2017 - 2020.
Trong năm 2018, sở cũng đã phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng, kết hợp nghiên cứu, sưu tầm tư liệu đối với 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có nguy cơ mai một tại 13 xã trong tỉnh, từ đó tổ chức các lớp truyền dạy cho khoảng 250 người có uy tín và thanh niên... Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục hỗ trợ triển khai bước tiếp theo của kế hoạch, mục tiêu là gắn bảo tồn với khai thác, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch...
Hy vọng với nhiều định hướng và chính sách đang được triển khai tại các địa phương, trong thời gian tới, những khó khăn trong bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh sẽ được cải thiện.
Nguồn: Báo Lào Cai