Để du lịch Long An cất cánh
Giàu tiềm năng
Long An nằm ở vị trí thuận lợi, là cửa ngõ nối TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, có Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp giáp Vương quốc Campuchia. Bên cạnh đó, tỉnh có điều kiện thuận lợi về hạ tầng với hệ thống giao thông - yếu tố rất quan trọng trong hoạt động phát triển du lịch đã và đang được đầu tư đồng bộ. Việc đưa vào vận hành đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và nâng cấp Quốc lộ 1 góp phần tạo điều kiện cho du lịch Long An khởi sắc.
Đặc biệt, Long An có cảnh quan sinh thái vùng Đồng Tháp Mười, cảnh quan sông Vàm Cỏ, các di tích lịch sử - văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử, giá trị tâm linh và các làng nghề,... là những yếu tố tiềm năng để phát triển du lịch. Hai dòng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây hứa hẹn mang đến những phút giây thư giãn, tuyệt vời cho du khách. Từ TP.Tân An, du khách theo sông Vàm Cỏ Tây đến các điểm du lịch: Làng nổi Tân Lập (huyện Mộc Hóa), Cổ Sơn tự (huyện Vĩnh Hưng),... Từ thị trấn Bến Lức xuôi Vàm Cỏ Đông đến thăm vàm Nhựt Tảo, miễu ông Bần Quỳ,...
Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch - Trần Văn Hửng: "Long An có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Nguồn tài nguyên dồi dào cùng ưu thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, hạ tầng,... là những thế mạnh để tỉnh phát triển du lịch".
Không chỉ vậy, Long An còn có nhiều đặc sản níu chân du khách. Xuôi về vùng Đồng Tháp Mười, tham quan Làng nổi Tân Lập, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen,... du khách được thưởng thức những món ăn dân dã: Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non hay lẩu mắm,... Để rồi, hương vị đậm đà của món ăn cứ làm mọi người vấn vương. Đậu phộng Đức Hòa, rượu đế Long An, thanh long Châu Thành, cốm ngò Cần Giuộc, gạo Nàng thơm Chợ Đào,... là những món quà sau những chuyến đi hấp dẫn dành tặng bạn bè, người thân trong gia đình.
Trên đường vươn xa
Du lịch Long An thời gian qua có nhiều chuyển biến quan trọng, các khu, điểm du lịch được tỉnh đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa tạo diện mạo mới cho ngành "công nghiệp không khói" này. Số lượng du khách đến với tỉnh nhà ngày càng đông, đặc biệt, du khách nước ngoài nhiều hơn so với trước đây. Tỉnh xây dựng chương trình phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, thể hiện rõ những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm đưa du lịch Long An phát triển trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác theo định hướng chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh.
Trên cơ sở đó, Long An xác định rõ loại hình du lịch phải có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh mang tính đặc thù, tập trung theo 3 nhóm: Sản phẩm du lịch đặc thù (du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười), sản phẩm du lịch chính (du lịch cuối tuần, lễ, tết) và sản phẩm du lịch bổ trợ (tham quan các khu di tích lịch sử - văn hóa).
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Anh Dũng kỳ vọng, với những kết quả trong thời gian qua cũng như định hướng chiến lược phát triển, tin rằng, ngành du lịch Long An sẽ vươn xa hơn./.
Nguồn: longan.gov.vn