Du lịch di sản mùa không lễ hội
Hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử được tổ chức tại chân núi Yên Tử năm nay là một điểm nhấn hút khách du lịch.
Tính “thời vụ” rõ nét
Mùa hội xuân đã trôi qua, các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh bắt đầu giảm dần lượng khách hành hương, du lịch so với sự tấp nập thường thấy trong 3 tháng mùa xuân. Ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, cho biết: Vào mùa này, lượng khách khá thưa vắng, chủ yếu tập trung ở đền Sinh, am - chùa Ngọa Vân, trung bình chỉ rơi vào khoảng 100 khách/ngày, ước đạt 3.000 khách/tháng. Trong đó, dịp mùng một, hôm rằm chủ yếu là người dân trong vùng đi chùa thắp hương, lễ Phật.
Con số này so với lượng khách đến Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều trong 3 tháng hội xuân quả là khiêm tốn. Tương tự, thăm đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) vào một ngày bình thường dịp đầu tháng 7, chúng tôi nhận thấy, mặc dù các hạng mục tu bổ, tôn tạo di tích vẫn khá ngổn ngang nhưng thưa thoáng vẫn có những đoàn khách tham quan, vãn cảnh và thắp hương lễ Phật tại đây. Bà Nguyễn Thị Bích Thương, Phó trưởng Phòng VH-TT TP Cẩm Phả, chia sẻ: Đền Cửa Ông chủ yếu đón khách đi du lịch tâm linh nên khách chỉ tập trung chính vào mùa lễ hội xuân, từ đêm giao thừa Tết Nguyên đán hằng năm đến khoảng hết tháng 2 âm lịch là cao điểm nhất. Còn lại, những tháng khác trong năm thì khách đến chủ yếu vào mùng một và dịp cuối tuần, lễ hội Tháng Tám. Quá trình đi du lịch nghỉ dưỡng, nhiều khách kết hợp đi du lịch tâm linh cũng đến với đền Cửa Ông...
Hút khách nhiều nhất có lẽ là khu di tích Yên Tử, tất nhiên không thể so sánh với lượng khách mùa hội xuân lên tới cả vạn người mỗi ngày. Theo thống kê, trung bình lượng khách về với Yên Tử dịp không lễ hội đạt gần 1.000 khách/ngày, chủ yếu là khách nước ngoài đi theo các tour du lịch.
Như vậy, chỉ điểm qua một số di tích lớn vốn là trọng điểm của du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh để thấy, tính “thời vụ” còn khá rõ nét.
Chủ động liên kết, phát triển du lịch di sản
Chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về điểm đến di sản, phối hợp với các công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch, địa phương từng bước liên kết phát triển du lịch...
Với định hướng về sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là du lịch văn hoá tâm linh gắn với các di sản nhà Trần trên địa bàn, thời gian qua, Đông Triều đã tìm cách kết nối với các công ty lữ hành du lịch nhằm thúc đẩy sự phát triển của du lịch di sản. Ông Tuấn cho hay, gần đây nhất, dịp đầu năm 2016, TX Đông Triều đã mời 50 doanh nghiệp, công ty lữ hành và 25 cơ quan thông tấn báo chí về địa phương tham quan, tìm hiểu các tuyến, điểm du lịch; tổ chức tọa đàm về phát triển tuyến, điểm, sản phẩm du lịch Đông Triều. Đồng thời, ký cam kết 3 bên giữa thị xã với các công ty lữ hành và đơn vị cáp treo tại Ngoạ Vân về việc hỗ trợ 10 đến 15% giá vé cáp treo cho các công ty lữ hành đưa khách về đây. Qua đó, các công ty lữ hành đã đưa khách về tham quan, hành hương tại các điểm di tích nhà Trần tại Đông Triều, tuy nhiên số lượng chưa nhiều và chủ yếu cũng chỉ tập trung vào 3 tháng hội xuân.
Để thu hút du khách về với Yên Tử mùa không lễ hội như đã kể trên, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm – đơn vị kinh doanh chủ yếu các dịch vụ tại Yên Tử, đã có nhiều giải pháp hiệu quả. Ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết: Công ty đã có nhiều cơ chế, chính sách cụ thể nhằm mở rộng hợp tác với các công ty du lịch, doanh nghiệp lớn và các cơ sở tôn giáo trong cả nước. Hiện đơn vị đã ký hợp đồng với cả nghìn công ty du lịch và có chính sách giá đa dạng, trong đó có chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp, công ty hợp tác truyền thống, thường xuyên đưa khách đến Yên Tử. Công ty cũng đã thành lập 1 đội Sale Marketing do chuyên gia nước ngoài vận hành; xây dựng sản phẩm du lịch riêng, phù hợp với những đối tượng khách khác nhau...
Trong số khách nước ngoài, Yên Tử hiện thu hút chủ yếu là du khách Hàn Quốc. Tuy nhiên, cũng theo ông Thanh thì trong thời gian tới đây, sau khi hoàn thiện Khu trung tâm lễ hội và dịch vụ du lịch Yên Tử, đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng thị trường, cùng với Hàn Quốc sẽ hướng tới các thị trường khách du lịch Đài Loan, Nhật Bản, châu Âu...
Hiện nay, nhiều địa phương của tỉnh đều xây dựng các tuyến, điểm du lịch gắn với các di sản văn hoá trên địa bàn. Cụ thể như Đông Triều, 3/4 tuyến, 7/15 điểm du lịch địa phương của Đông Triều là các tuyến, điểm gắn với du lịch di sản. Đền Cửa Ông, Khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục (TP Cẩm Phả) cũng là 2/5 điểm du lịch di sản của Cẩm Phả. Thành phố hiện cũng đang xây dựng phương án khai thác sau khi Khu di tích đền Cửa Ông - Cặp Tiên được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào cuối năm vừa qua. TX Quảng Yên hiện cũng có 7 di tích nằm trong hệ thống 11 điểm du lịch của địa phương...
Nhiều di tích của Quảng Ninh hiện vẫn đang tập trung cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tu bổ, tôn tạo di tích, như: Khu di tích nhà Trần, Bạch Đằng giang, Yên Tử, đền Cửa Ông – Cặp Tiên... Đây là cơ sở quan trọng để phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch di sản. Tuy nhiên, với văn hóa truyền thống theo hướng “đầu năm đi hội chùa” và thực tế các điểm du lịch biển, nghỉ dưỡng mát mẻ dễ hút khách hơn vào mùa hè thì việc đa dạng hoá các sản phẩm du lịch di sản “bốn mùa”, việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch cũng như khâu tuyên truyền, quảng bá cần được các địa phương thúc đẩy mạnh mẽ, có tính chủ động cao hơn nữa.
Nguồn: Báo Quảng Ninh