Bảo tồn quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch
08/05/2018
Bên cạnh giá trị lịch sử, quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ luôn được đánh giá là điểm đến thu hút khách du lịch.
Những căn nhà san sát nằm bên những di tích lịch sử của Chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN
Những năm qua, công tác trùng tu các di tích đã được tỉnh Điện Biên đặc biệt chú trọng thực hiện, nhằm phát huy các giá trị lịch sử, tái hiện chân thực, sống động về chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể di tích này hiện có 45 điểm di tích thành phần; trong đó có 8 điểm được đưa vào phục vụ khách tham quan, gồm: Nhà trưng bày Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Hầm Ðờ-cát, Ðồi A1, Sở Chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại Mường Phăng, tượng đài chiến thắng tại thành phố Ðiện Biên Phủ, tượng đài kéo pháo tại di tích đường kéo pháo bằng tay xã Nà Nhạn, di tích Him Lam và bãi duyệt binh mừng chiến thắng tại xã Mường Phăng.
Thời gian qua, nhiều dự án bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích đã được Chính phủ, các bộ, ngành và Ðảng bộ, chính quyền tỉnh Ðiện Biên quan tâm triển khai. Từ năm 1999, dự án đầu tư tu bổ cấp thiết chống xuống cấp di tích được triển khai tại một số hạng mục quan trọng nhất của quần thể di tích.
Đến năm 2003, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định về Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Ðiện Biên Phủ; trong đó có việc xây dựng mới công trình nhà Bảo tàng chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. Đây là công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng, được khánh thành, đưa vào sử dụng trong dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ (năm 2014). Nhiều di tích thành phần khác cũng được tỉnh Điện Biên chú trọng sửa chữa, tu bổ các hạng mục.
Lượng khách du lịch đến tham quan tại các điểm thuộc quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ ngày càng tăng. Theo thống kê của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, năm 2017 có hơn 380.000 lượt khách đã đến tham quan; từ tháng 1- tháng 4/2018 có hơn 130.000 lượt khách; riêng trong đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay có gần 35.000 lượt khách đã đến tham quan tại các điểm thuộc quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017.
Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (đơn vị quản lý quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ) cho biết: Lượng du khách đến tham quan tại các điểm thuộc quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ ngày càng tăng. Rất nhiều điểm di tích tiêu biểu đã được đầu tư tôn tạo, phục dựng, gắn với đó là phát huy, khai thác giá trị du lịch, góp phần thu hút du khách. Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các di tích cũng được ngành chức năng của tỉnh quan tâm thực hiện. Trong đó, công tác thuyết minh, tuyên truyền tại các điểm di tích đã được quan tâm đặc biệt.
Toàn cảnh khu di tích Đồi A1. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN
Ngoài việc bảo tồn, giữ gìn giá trị lịch sử tại các điểm di tích, tỉnh Điện Biên cũng quan tâm tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp để thu hút du khách. Tuy nhiên theo chính quyền tỉnh Điện Biên, việc trùng tu tôn tạo các di tích hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào ngân sách Trung ương. Công tác xã hội hóa, thu hút đầu tư đã được đẩy mạnh song vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và vướng mắc nhiều về cơ chế. Công trình duy nhất đến thời điểm này được đầu tư quy mô theo hình thức này là phần mái che hiện vật ngoài trời bằng kính cường lực cho 13 hiện vật và di tích được triển khai trong các năm 2012 và 2013.
Để có thể tiếp tục xây dựng đề án phục dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ, tầm nhìn đến năm 2030, cần có cơ chế đảm bảo hơn nhằm thu hút các nguồn đầu tư.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chính là định hướng của tỉnh Điện Biên, nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác của tỉnh. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thực tế là hiện nay du lịch Điện Biên vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế. Nguyên nhân là do công tác quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị quần thể di tích chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nhu cầu phát triển.
Để đưa Điện Biên trở thành một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc và của cả nước, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di sản văn hóa tỉnh Điện Biên nói chung, di tích chiến trường Điện Biên Phủ nói riêng cần phải được chú trọng hơn nữa. Cùng với đó các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá các điểm đến thuộc quần thể di tích, góp phần phát triển du lịch ở Điện Biên.
Nguồn: TTXVN