Hoạt động lữ hành đóng góp quan trọng vào đà tăng trưởng khách du lịch
Đoàn khảo sát sản phẩm của Tổng cục Du lịch tại Cao Bằng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lữ hành
Trong năm qua, để góp phần hoàn thành những mục tiêu của ngành đã đề ra, đối với công tác quản lý lữ hành, Tổng cục Du lịch đã triển khai các nhiệm vụ lớn thuộc Chương trình Hành động quốc gia, Chương trình Xúc tiến quốc gia về du lịch, xây dựng văn bản trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch. Đồng thời tăng cường chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý du lịch tại địa phương thống nhất chủ trương chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành trên địa bàn; hỗ trợ các địa phương nhiều hoạt động như: triển khai Luật Du lịch, tổ chức tốt Năm Du lịch quốc gia tại Nha Trang (Khánh Hòa), ngày hội văn hóa - du lịch, khảo sát phát triển sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường hợp tác công - tư trong phát triển sản phẩm du lịch…
Bên cạnh đó, ngành Du lịch còn phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng một số chương trình, đề án lớn về phát triển du lịch như: Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Đề án khai thác và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật phục vụ phát triển du lịch.
Doanh nghiệp là động lực chính để phát triển du lịch
Doanh nghiệp là động lực chính để phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, có nhiều chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh phát triển. Du lịch Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới xếp hạng 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, môi trường kinh doanh thuận lợi, thủ tục hành chính về kinh doanh lữ hành được sửa đổi theo hướng thông thoáng đã được công khai trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Du lịch (www.vietnamtourism.gov.vn); điều kiện kinh doanh dành cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng được công khai trên cổng thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (www.dangkykinhdoanh.gov.vn).
Tính đến hết năm 2019, trên phạm vi cả nước có 2.656 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, tăng 21,9% so với năm 2018 và tăng 1.092 doanh nghiệp so với năm 2015.
Năm 2019, các doanh nghiệp LHQT và doanh nghiệp lữ hành nội địa đã chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế.
Với uy tín và chất lượng phục vụ của mình, đã có 20 doanh nghiệp LHQT của Việt Nam được trao tặng giải thưởng du lịch Việt Nam và 01 doanh nghiệp LHQT được trao tặng giải thưởng du lịch thế giới.
Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch ngày càng lớn mạnh và tinh thông nghiệp vụ
Tính đến hết năm 2019, cả nước hiện có 27.100 hướng dẫn viên du lịch, tăng 12,6% so với năm 2018, trong đó có 17.230 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 9.146 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 724 hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Đội ngũ hướng dẫn viên có trình độ từ đại học trở lên (chiếm 71,3%), tốt nghiệp cao đẳng (chiếm 18%), trình độ khác (chiếm 10,7%).
Như vậy, lực lượng lao động tạo nên nòng cốt của một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành là đội ngũ giám đốc điều hành và hướng dẫn viên du lịch chủ yếu là những người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và 100% lực lượng này đã được đào tạo nghiệp vụ điều hành du lịch, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Tổng cục Du lịch còn tổ chức các khóa tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch cho các tỉnh như: Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông; Thẩm định đề án tổ chức thi nghiệp vụ điều hành và hướng dẫn du lịch của các cơ sở đào tạo, hỗ trợ tổ chức hội thi hướng dẫn viên du lịch giỏi các tỉnh Việt Bắc.
Cơ sở dữ liệu du lịch trực tuyến – công cụ hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác quản lý lữ hành
Tổng cục Du lịch tiếp tục duy trì cơ sở dữ liệu (CSDL) trực tuyến về hướng dẫn viên du lịch trên website www.huongdanvien.vn và nâng cấp cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế trên website www.quanlyluhanh.vn. Đây là những công cụ hỗ trợ hữu hiệu công tác quản lý theo thời gian thực, tiếp cận xu hướng cách mạng công nghệ 4.0 và là một thành phần trong hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam. Cở sở dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch đã góp phần hiện đại hóa nền hành chính, cụ thể là trong công tác thẩm định, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, quản lý đội ngũ hướng dẫn viên trên toàn quốc.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra về hoạt động lữ hành
Năm 2019, Tổng cục Du lịch đã tăng cường chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý du lịch tại địa phương kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành, nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành trên địa bàn. Phối hợp với Thanh tra, Bộ VHTTDL kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của doanh nghiệp lữ hành tại các địa phương, cụ thể trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hải Dương, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Khánh Hòa. Kiểm tra công tác cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch và hoạt động du lịch trên địa bàn các tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. Qua quá trình kiểm tra, Tổng cục Du lịch đã nắm bắt được những vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp để có biện pháp quản lý phù hợp với thực tiễn. Đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, Tổng cục Du lịch kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh nhằm duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh trong hoạt động lữ hành.
Vận chuyển khách du lịch quốc tế bằng đường hàng không giữ vai trò then chốt
Năm 2019, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 18 triệu lượt, trong đó có gần 80% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không. Khách du lịch nội địa đạt 85 triệu lượt, trong đó có khoảng 1/4 lượng khách sử dụng phương tiện chính bằng đường hàng không.
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2019 thị trường hàng không Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không ước đạt 115,5 triệu lượt hành khách, tăng 11,8% so với năm 2018; Trong đó, vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt gần 55 triệu lượt, tăng 11,4% so với năm 2018.
Có thể nói, năm 2019 du lịch Việt Nam tiếp tục có một năm phát triển cao với kết quả đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018; phục vụ 85 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 726.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2018. Du lịch phát triển đã góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của đất nước (GDP tăng 7,02%). Để có được thành công đó, vai trò chỉ đạo của Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL trong hoạt động lữ hành và sự đóng góp tích cực của các, địa phương, doanh nghiệp là rất đáng ghi nhận.
Với những kết quả đó, trong năm 2019 du lịch Việt Nam đã vinh dự được nhận 2 giải thưởng tầm cỡ thế giới là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019 do World Travel Awards trao tặng và Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019 do World Golf Awards trao tặng. Cùng với đó là các giải thưởng tầm cỡ khu vực bao gồm: Điểm đến hàng đầu châu Á 2 năm liên tục 2018-2019, Điểm đến văn hóa hàng đầu Châu Á 2019, lần đầu tiên được vinh danh là Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019. Ngoài ra hàng chục giải thưởng quốc tế danh giá cũng đã được trao cho các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, resort và các công trình, điểm du lịch của Việt Nam.
Nguồn: TITC