khách sạn ở đông anh
Đặt phòng nhanh
Thông Tin Liên Hệ

Điện thoại liên hệ: 043.951.5439

Hotline đặt phòng: 088.8183032

04.6660.5552

Email: kimcuonghotel.vn@gmail.com

info@kimcuonghotel.vn

sales@kimcuonghotel.vn

Lượt truy cập
  • 38
  • 1926
  • 4,405,798

Gìn giữ nghề thêu, dệt lanh trên Cao nguyên đá

  29/11/2017

Nhằm lưu giữ những nét độc đáo của nghề thêu, dệt lanh, Hội Phụ nữ huyện Đồng Văn đã thành lập “Tổ hợp tác dệt, nhuộm, thêu và gia công sản phẩm thổ cẩm du lịch” (Tổ hợp tác), với mong muốn mang đến cho du khách những món quà đặc trưng khi tham quan Cao nguyên đá.

 

Tổ hợp tác thành lập tháng 9/2017, đặt tại di tích Dinh thự nhà Vương, xã Sà Phìn (Đồng Văn) - một trong những trung tâm du lịch của huyện với nhiều lợi thế để quảng bá, đưa sản phẩm tiếp cận với du khách. Tổ gồm 15 thành viên từ 18 - 35 tuổi, họ đều là người dân địa phương, có đam mê và mong muốn gắn bó với nghề. Tổ hợp tác được mở theo chương trình dạy nghề cho phụ nữ, học viên được học thành thục quy trình tạo ra một sản phẩm thổ cẩm bằng lanh: Từ dệt lanh, nhuộm vải, thêu họa tiết và may thành sản phẩm hoàn thiện. Cả các sản phẩm gia công chủ yếu như túi, ví đựng điện thoại di động, hộp đựng bút hay tranh treo tường, ga, gối, chăn... được thêu tay theo họa tiết của người Mông trắng. Tùy theo độ khó của họa tiết, mỗi sản phẩm được thêu hoàn thiện trong khoảng từ 1 – 2 ngày.

Xuất phát từ một lớp dạy nghề ngắn hạn, Tổ hợp tác đã tạo cơ hội cho nhiều chị em có cơ hội tìm kiếm việc làm. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, 90% thành viên của Tổ có hoàn cảnh khó khăn, hoặc từng bị bạo lực gia đình. Chị Vàng Thị Cầu, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đồng Văn, cũng là giáo viên dạy chính cho các chị em, cho biết: “Chúng tôi đã đi từng nhà học viên, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, động viên họ tham gia để có một nghề ổn định, tự nuôi sống bản thân, gia đình”. Mới đây, Tổ hợp tác đã gửi các sản phẩm thủ công đi giới thiệu, trưng bày tại Hà Nội và đã có rất nhiều cá nhân, tập thể mua và đặt hàng. Chị Cầu cùng một số chị em đã thiết lập được các đầu mối mua hàng, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Với giá bán dao động từ 100 nghìn đồng cho các sản phẩm túi, ví đến gần 3 triệu đồng đối với chăn, tranh treo tường, một số chị em tay nghề thành thạo có thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/1 tháng.

Chị Sùng Thị Sy, thôn Sà Phìn A cho biết: “Mình mới học 1 tháng, nhưng đã thêu được các họa tiết khó. Tham gia vào Tổ, các chị em đều giúp nhau nên học rất nhanh. Mình cũng muốn có một nghề để kiếm tiền cho con đi học chữ.” Ngoài chị Sy, còn có rất nhiều thành viên đã thành thạo và có thu nhập ổn định. Đặc biệt, trong Tổ còn có em Vàng Mí Vừ, thành viên nam duy nhất, nhỏ tuổi nhất, nhưng thêu tay rất khéo. Chia sẻ với chúng tôi, chị Cầu cho biết: “Các thành viên rất chăm chỉ, họ ý thức được ý nghĩa của công việc. Không chỉ tạo nguồn thu nhập cho gia đình, tạo công việc ổn định cho bản thân, giúp họ có được một nghề cụ thể mà còn gìn giữ nét văn hóa của đồng bào mình. Dự định, trong tương lai chúng tôi sẽ thành lập Hợp tác xã để mở rộng quy mô cho nhiều người cùng có cơ hội làm việc, cải thiện kinh tế gia đình.”

Nằm ẩn sâu trong ngôi làng nhỏ giữa mênh mông núi đá, những đôi tay khéo léo của các chị em Tổ hợp tác dệt, nhuộm, thêu và gia công sản phẩm thổ cẩm du lịch đang thành thục thêu từng nét họa tiết hoa văn tinh sảo lên những tấm thổ cẩm. Khung cảnh ấy như xua tan bớt đi cái lạnh se sắt của vùng sơn cước. Những người phụ nữ Mông cần mẫn đang gìn giữ một phần trong văn hóa của dân tộc mình - nghề thêu, dệt lanh trên Cao nguyên đá./.

Nguồn: Báo Hà Giang

Tin tức mới Xem tất cả