Xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm (Hội An) làm du lịch thân thiện
Thời gian qua, với sự hỗ trợ tích cực của TP. Hội An, xã đảo Tân Hiệp đã huy động nhiều nguồn lực, kết hợp giữa thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế với tăng đầu tư từ ngân sách để tập trung phát triển hạ tầng, thực hiện xã hội hóa trong phát triển du lịch Cù Lao Chàm.
Xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm (Hội An) luôn định hướng xây dựng điểm du lịch trong lành, thân thiện. Ảnh: ĐỖ HUẤN
Từ sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đảo Tân Hiệp, đến nay hệ thống tour, tuyến tham quan, điểm du lịch ở Cù Lao Chàm đã được hình thành bài bản. Trong đó, các sản phẩm du lịch có lợi thế được chú ý xây dựng như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch biển, gắn với khám phá và bảo tồn biển. Bên cạnh đó, cảnh quan sinh thái, văn hóa ở Cù Lao Chàm phong phú cũng là hấp lực lớn đối với du khách như: làng chài, nghề đan võng từ cây ngô đồng; các lễ hội văn hóa truyền thống, ẩm thực đặc trưng của cư dân vùng biển đảo... Một sản phẩm đặc sắc khác chính là sự thành công trong việc kiên trì vận động nhân dân và du khách “Nói không với túi ny lon”, giữ gìn môi trường biển đảo, được du khách khắp nơi trong nước và thế giới biết đến như một địa chỉ điển hình về môi trường xanh sạch và thân thiện với con người. Mới đây, Tân Hiệp - Cù Lao Chàm ghi thêm dấu ấn khi phát động “Nói không với ống hút nhựa”.
Người dân hưởng lợi
Cùng với việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, cảnh quan, môi trường cũng tiếp tục được chăm sóc, tạo cho diện mạo xã đảo ngày càng đổi thay theo hướng xanh, sạch, đẹp hơn. Nhiều điểm dừng chân, nhà vệ sinh, hệ thống cầu cảng, trồng cây tạo cảnh quan tại các tuyến du lịch, các khu chợ, khu hàng lưu niệm được quy hoạch, xây dựng… từng bước đáp ứng yêu cầu của du khách. Các bãi biển, điểm tham quan, khu lặn ngắm san hô, rừng nguyên sinh, cây di sản đã được đưa vào chương trình tham quan, tạo thêm sản phẩm mới phục vụ du khách. Ông Trần Tấn Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp khẳng định, nhờ gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch với bảo vệ cảnh quan, môi trường nên thương hiệu du lịch Cù Lao Chàm ngày càng được khẳng định. “Từ năm 2009 đến nay cùng với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, TP.Hội An, hạ tầng đầu tư cho xã đảo Tân Hiệp được khang trang, đẹp hơn, thương hiệu du lịch Cù Lao Chàm đã hình thành và phát triển. Lĩnh vực du lịch hiện nay chiếm khoảng 80 - 90% kinh tế của địa phương; thu nhập từ du lịch đem lại kinh tế ổn định hơn cho người dân” - ông Dũng nói.
Du lịch phát triển, cơ cấu kinh tế của xã đảo Tân Hiệp đã chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng du lịch và dịch vụ, giải quyết nhiều việc làm cho nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 của xã đảo chỉ khoảng 13 triệu đồng, đến năm 2017 đã đạt hơn 40 triệu đồng. Ông Huỳnh Giang ở thôn Bãi Ông chia sẻ: “Quá trình phát triển của xã đảo rõ nhất là ở những năm gần đây, từ khi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Từ chỗ sống chủ yếu dựa vào đánh bắt hải sản, làm nghề chài lưới, người dân Tân Hiệp dần chuyển sang làm dịch vụ du lịch, đặc biệt là mở nhà hàng, homestay… Đến bây giờ thực sự mà nói người dân chúng tôi cũng không nghĩ có được sự phát triển vượt đà như hôm nay. Không ít người từ chỗ không có công ăn việc làm, từ hộ nghèo mà nay đã trở thành hộ khá, giàu”.
Gắn với bảo tồn các giá trị
Ông Trần Tấn Dũng cho hay, trong những năm đến xã đảo Tân Hiệp xác định phát triển trên cơ sở tạo được sự khác biệt về thương hiệu, phát triển phải dựa trên sự bảo tồn cảnh quan, môi trường, khai thác hợp lý tài nguyên, giữ vững bản sắc văn hóa truyền thống để Cù Lao Chàm luôn là điểm đến hấp dẫn, được nhiều du khách lựa chọn, yêu thích. Vì vậy Tân Hiệp phải hoàn chỉnh quy hoạch du lịch gắn với xây dựng xã nông thôn mới, trong đó tập trung quy hoạch không gian, kiến trúc, xây dựng, phân định mốc tuyến giữa các khu vực quốc phòng và dân sinh, khu vực được khai thác du lịch và bảo tồn khu dự trữ sinh quyển, tránh phá vỡ cảnh quan, ô nhiễm môi trường sinh thái. “Du lịch Cù Lao Chàm bây giờ được chúng tôi chọn định hướng là phải phát triển trên cơ sở bảo tồn nghiêm ngặt các giá trị về thiên nhiên, về môi trường cũng như các giá trị về văn hóa tinh thần của cư dân miền biển. Chúng tôi lấy đó làm trục chính để phát triển du lịch, đưa du khách đến tìm hiểu Cù Lao Chàm không những là nơi có cảnh quan đẹp, có thiên nhiên trong lành mà cũng là nơi có văn hóa của người dân thật thà, chất phác đúng như chất của văn hóa miền biển. Những hệ giá trị đó phải được lưu giữ để các thế hệ sau này của địa phương kế thừa phát triển trên chính quê hương của mình” - ông Dũng nói.
Du lịch Cù Lao Chàm đã và đang phát triển theo hướng du lịch cộng đồng có chất lượng cao và bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực với giữ gìn tài sản văn hóa - nhân văn của cư dân bản địa. Gắn với đó là bảo tồn nghiêm ngặt sự đa dạng sinh học trên rừng dưới biển nhằm mang lại thu nhập và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Từ đó cộng đồng càng nhận thức rõ vai trò chủ thể và trách nhiệm của mình. Tất cả hướng đến mục tiêu xây dựng Cù Lao Chàm thành điểm đến thật sự an toàn, bảo tồn nếp sống chất phác, thuần hậu, thân thiện của cư dân...
Nguồn: Báo Quảng Nam