Mỹ nghệ than đá - món quà của Vùng mỏ
Những sản phẩm lưu niệm từ than đá ở xưởng sản xuất của gia đình anh Nguyễn Tiến Quyết
Những năm gần đây, người say mê, theo nghề điêu khắc, chế tác than đá không nhiều. Một trong những hộ vẫn giữ, theo nghề và phát triển khá tốt là gia đình anh Nguyễn Tiến Quyết (phường Hồng Hà, TP Hạ Long). Chúng tôi tới thăm xưởng chế tác của gia đình anh Quyết nằm sâu trong con ngõ dưới chân núi Hạm. Xưởng rộng chừng gần 100m2 nằm gọn trong khuôn viên nhà. Trong không gian ngổn ngang than đá đủ loại, không khí đặc quánh, anh Quyết chia sẻ: Nghề này vất vả, bụi bặm mà tìm chỗ đứng cho sản phẩm khá khó. Trót đam mê theo nghề gia truyền, tôi cũng dành tâm sức sáng tạo ra những sản phẩm vừa mang tính thẩm mỹ, vừa tiện dụng để dễ tiêu thụ.
Được thừa hưởng vốn nghề gia truyền, lại có chuyên môn về hội họa nên anh Quyết đã dần nâng cao trình độ tay nghề của mình sau nhiều năm chế tác than đá. Những năm 1995 - 1998, khi du lịch Quảng Ninh bắt đầu phát triển mạnh mẽ, nhu cầu về các sản phẩm đồ lưu niệm mang đặc trưng địa phương cũng được nhiều người nghĩ tới. Anh Nguyễn Tiến Quyết bắt đầu có ý tưởng chế tác than đá thành các sản phẩm mỹ nghệ phục vụ du lịch. “Các sản phẩm mỹ nghệ từ than đá phục vụ du lịch cơ bản cũng là các sản phẩm điêu khắc mang tính nghệ thuật cao, tuy nhiên đòi hỏi phải mang hình dáng, hình ảnh đặc trưng, lại có hình khối phù hợp để tránh gẫy, hỏng khi gói, vận chuyển đi xa” - anh Quyết chia sẻ.
Nhờ mày mò nghiên cứu, anh Quyết đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm từ than đá, như: Tranh 2D về Vịnh Hạ Long, các thắng cảnh ở Hạ Long, Quảng Ninh (như: Hòn Trống Mái, thuyền buồm) và các con vật khác. Đây là các sản phẩm đẹp, có tính biểu tượng cao, lại thuận lợi cho du khách vận chuyển, mang về làm quà.
Quy trình chế tác các sản phẩm từ than đá cũng đòi hỏi khá khắt khe. Trước hết, về nguyên liệu, than đá phải là than đẹp, có tuổi cao, rắn chắc, thường là loại than bóng hoặc than chì có ở các mỏ lớn ở Cẩm Phả, Hòn Gai... Than không được pha tạp chất, xít, gây ảnh hưởng mỹ quan, chất lượng sản phẩm. Sau khi lựa chọn được nguyên liệu ưng ý, than đá được tạo phôi bằng cách cưa theo định hình sản phẩm rồi trải qua các khâu: Đục đẽo, mài rũa, đánh bóng... để thành hình dạng sản phẩm. Anh Nguyễn Tiến Quyết cho biết: “Khó nhất vẫn là khâu khắc tạc các chi tiết nhỏ, các đường khắc vẽ cong tạo sự mềm mại cho sản phẩm. Tất cả đều phải dùng loại dao khắc, vẽ riêng biệt. Các sản phẩm lưu niệm tùy theo kích cỡ và mức độ phức tạp có thể mất 1-2 ngày, thậm chí hàng tháng trời để hoàn thiện. Đặc biệt là các khâu khắc vẽ hoàn toàn thủ công. Sự cần mẫn, tỉ mỉ để làm ra sản phẩm có kích cỡ nhỏ, tinh tế... đã tạo nên vẻ đẹp, sự hấp dẫn cho các sản phẩm mỹ nghệ than đá”.
Để tạo sự hấp dẫn cho sản phẩm mỹ nghệ, đề tài sáng tác của anh Quyết cũng thay đổi khá đa dạng về cảnh đẹp quê hương đất nước, Vịnh Hạ Long, các loại thú vật theo thị hiếu của du khách. Kích cỡ các sản phẩm cũng rất đa dạng, từ 20cm - 1,2m. Các sản phẩm mỹ nghệ còn được đánh bóng bằng máy mài, hoặc chế tác tạo độ nhám. Giá cả các sản phẩm này cũng đa dạng, dễ chấp nhận, từ 120.000 - 150.000 đồng/sản phẩm nhỏ cho tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng cho sản phẩm lớn, tinh xảo.
Hiện trung bình gia đình anh Quyết sản xuất được 170 - 200 sản phẩm/tháng phục vụ du lịch. Sản phẩm đồ lưu niệm từ than đá của anh Quyết được giao bán tại nhiều cửa hàng trên địa bàn TP Hạ Long. Du khách cũng có thể đến nhà anh Quyết tại số nhà 19, tổ 3, khu 8, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, để trực tiếp trải nghiệm quy trình làm đồ lưu niệm bằng than đá, tham quan và mua sản phẩm./.
Nguồn: Báo Quảng Ninh