Khai mạc Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch Việt- Lào
Tối 5/7, tại thành phố Sơn La, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam-Lào lần thứ 2 năm 2017.
Đại diện lãnh đạo trao cờ Lưu niệm cho các tỉnh giáp đường biên giới Việt Nam-Lào. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Đây là hoạt động trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2017) và 40 năm Ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2017).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương hai nước Việt Nam, Lào; lãnh đạo các tỉnh của hai nước Việt Nam, Lào và đông đảo nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La dự dự lễ khai mạc.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ, mối quan hệ đoàn kết, mẫu mực, thủy chung, hiếm có, đậm nghĩa, nặng tình giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Việt-Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”; Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã nhiều lần khẳng định: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào-Việt Nam mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông.”
Mối quan hệ đoàn kết, gắn bó đặc biệt giữa hai đất nước, hai dân tộc anh em được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong kính yêu cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công gây dựng, giữ gìn và vun đắp, đã không ngừng phát triển, trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc, là quy luật sống còn; là nhân tố bảo đảm thắng lợi của hai dân tộc Việt Nam và Lào.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội được diễn ra với nhiều nội dung đa dạng, phong phú và sinh động, như: giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch; triển lãm, giới thiệu ảnh nghệ thuật về con người và tiềm năng 10 tỉnh của Việt Nam có chung tuyến biên giới Việt Nam-Lào; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc; giới thiệu lễ hội nghi thức, sinh hoạt văn hóa của đồng bào nhân dân các dân tộc có chung đường biên giới Việt Nam-Lào...
Ngày hội là dịp để đồng bào, nhân dân hai nước Việt Nam-Lào ôn lại truyền thống cách mạng, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.
Đây còn là cơ hội để giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và di sản văn hóa các dân tộc vùng biên giới hai nước Việt Nam-Lào trong công cuộc hội nhập và phát triển.
Các hoạt động trong khuôn khổ của Ngày hội do các già làng, trưởng bản và đồng bào nhân dân các dân tộc vùng biên giới hai nước Việt Nam-Lào thể hiện có sức lan tỏa mạnh mẽ; là sự hội tụ, tỏa sáng về nét đẹp của các giá trị văn hóa truyền thống, giàu bản sắc, chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, bạn bè trong nước và quốc tế về hình ảnh đất nước, con người, tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác hai nước Việt Nam-Lào.
Phát biểu chào mừng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh nhấn mạnh: Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam-Lào lần thứ II là nơi tôn vinh, quảng bá, giới thiệu với nhân dân các dân tộc trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế một cách tổng quát về lịch sử đấu tranh, những giá trị văn hóa dân gian đầy tính nhân văn của nhân dân hai nước.
Đặc biệt là tinh thần đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam được phát triển từ quan hệ truyền thống do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính Người đã cùng đồng chí Kaysone Phomvihane, đồng chí Souphanouvong và các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nhân dân hai nước đã trải qua nhiều thử thách, hy sinh gian khổ vì độc lập, tự do, hạnh phúc của hai dân tộc.
Đây chính là sức mạnh đoàn kết đưa đến nhiều thắng lợi vĩ đại cho nhân dân hai nước Việt Nam và Lào trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sau phần Lễ, là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Bài ca hữu nghị Việt-Lào” hết sức đặc sắc. Chương trình nghệ thuật gồm ba chương được xây dựng công phu, hoành tráng, quy mô theo hình thức bán sử thi thông qua ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật ca múa nhạc phối hợp với lời bình, hình ảnh phim tư liệu.
Trong đó, chương I “Nghĩa tình son sắc thủy chung” đã khái quát lại toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển mối quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam-Lào từ ngày đầu cho đến nay trên tất cả các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng.
Mối quan hệ đó được thể hiện bằng hình ảnh nhân dân và quân đội hai nước sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, giành độc lập dân tộc, lập nên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Mối quan hệ đó còn được thể hiện bằng sự hợp tác gắn bó, giúp đỡ lần nhau giữa quân và dân hai nước Việt Nam-Lào trong sự nghiệp dựng xây, phát triển đất nước.
“Thắm tình biên giới Việt Nam – Lào” là nội dung chương II giới thiệu về mảnh đất, con người Sơn La trong quá trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước hôm nay. Đồng thời, thể hiện thế mạnh, tiềm năng phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của đồng bào các dân tộc vùng biên giới cũng như nhân dân hai nước Việt Nam-Lào; tình nghĩa gắn bó keo sơn của đồng bào các dân tộc vùng biên giới, cùng nhau đoàn kết, xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, hữu nghị và bền vững.
Khép lại chương trình nghệ thuật là chương III “Việt-Lào chung bước tương lai” tiếp tục khẳng định tình đoàn kết hữu nghị truyền thống lâu đời, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào; khẳng định quan điểm, đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc duy trì, củng cố và tăng cường mối quan hệ đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.
Trước đó, chiều 5/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thắp hương tại Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Nhà tù Sơn La nằm trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.
Cũng chiều 5/7, Thường trực Tỉnh ủy Sơn La đã gặp mặt Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Lào tại Việt Nam Thongsavanh Phomvihane; các đoàn đại biểu cấp cao của 16 tỉnh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đến thăm và dự các sự kiện “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào” tại tỉnh Sơn La./.
Nguồn: TTXVN