Cầm đàn đi "phiêu lưu" 19 quốc gia, hai cô gái Nga lại trót mê Hà Nội
Hình ảnh hai cô gái Nga xinh đẹp cầm cây đàn ngân nga hát Nhật kí của mẹ, Bèo dạt mây trôi... đã không còn xa lạ với những du khách đến Hồ Gươm vào mỗi tối cuối tuần.
Hơn một năm qua, chị em nhà Firsova đều đặn có mặt tại phố đi bộ Hồ Gươm vào 21 - 23h tối các ngày cuối tuần. Hai cô gái người Nga xinh đẹp, mái tóc vàng bồng bềnh, vừa chơi đàn vừa ngân nga những giai điệu Việt Nam quen thuộc như Bèo dạt mây trôi, Cây trúc xinh, Nhật kí của mẹ, Em gái mưa... khiến nhiều người trầm trồ, vỗ tay khen ngợi.
"Thật tuyệt vời khi chúng tôi được hát ở đây. Không phải sân khấu lớn, không phải những nhà hàng được trang hoàng lung linh nhưng chúng tôi được khán giả chào đón. Họ vây xung quanh và vỗ tay ủng hộ, khen ngợi và động viên chúng tôi. Người Việt Nam có lẽ là những khán giả thân thiện nhất thế giới", Sonya Firsova hạnh phúc chia sẻ.
Cầm đàn "phiêu lưu" 19 quốc gia
Hai cô gái người Nga này là Sonya Firsova - 27 tuổi và Viola Firsova - 22 tuổi. Hai cô gái sinh ra trong một gia đình nghệ thuật với cha và anh trai là nghệ sĩ du ca, ông nội là nghệ sĩ piano.Sinh ra và lớn lên ở Nga nhưng chị em Firsova lại có "hành trình chu du" khắp thế giới từ khi còn nhỏ. Đến nay, họ đã đến thăm 19 quốc gia ở khắp các châu lục.
"Từ khi 5 tuổi chúng tôi đã bắt đầu hành trình của mình. Ban đầu, cha mẹ đưa chúng tôi đi du lịch các quốc gia châu Âu để khám phá thế giới, học ngoại ngữ và mở rộng hiểu biết. Sau đó chúng tôi tự đi du lịch cùng nhau", cô chị gái Sonya chia sẻ.
Sonya đã có 5 năm học tập và sinh sống tại London. Tại đây, cô theo học âm nhạc đương đại và thanh nhạc. Cô em gái Viola sau khi kết thúc chương trình học nghệ thuật tại quê nhà cũng thường xuyên qua thăm chị. Khi kết thúc chương trình học, hai chị em chấp nhận lời mời sang Hồng Kông để tham gia một dự án âm nhạc "dài hơi".
Chị em Firsova tại Hồng Kông. Ảnh: NVCC
"Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đến châu Á. Vậy mà nay chúng tôi đã ở đây được 6 năm", Viola cho hay.
Sau 3 năm làm việc tại Hồng Kông, chị em Firsova quyết định tiếp tục hành trình du lịch. Họ cầm theo cây đàn và đến thăm hàng loạt các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia... và Việt Nam. Đến mỗi quốc gia, hai cô gái đều ghi lại hành trình bằng những Vlog đăng tải trên mạng xã hội; tìm hiểu nền âm nhạc của quốc gia đó... có cơ hội, hai cô gái cũng không ngần ngại thể hiện tài năng âm nhạc ngay trên đường phố. "Từ năm 10 tuổi tôi đã biết hát trên đường phố và giờ tôi đã 27 tuổi", Sonya nói.
"Lần đầu chúng tôi đến Việt Nam và xem đó như một chuyến du lịch kéo dài vài tháng thôi. Thế nhưng sau khi đi nhiều quốc gia châu Á, chúng tôi nhận ra không nơi nào khiến chúng tôi yêu mến và muốn gắn bó như Việt Nam. Chúng tôi quyết định quay lại đây để sinh sống và làm việc lâu dài với vai trò nhạc sĩ, ca sĩ, người mẫu và diễn viên", Sonya chia sẻ lí do hai chị em "dừng chân" tại Việt Nam.
"Chúng tôi yêu ẩm thực của các bạn, văn hóa của các bạn, âm nhạc của các bạn, cảnh vật của các bạn và nhất là con người Việt Nam. Chúng tôi cũng đặc biệt yêu Hà Nội. Nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của chúng tôi", Viola nói thêm.
Đến nay, chị em Firsova đã ở Việt Nam một năm bốn tháng và cùng nhau khám phá nhiều địa điểm du lịch khác nhau từ Sa Pa, Điện Biên,... đến Nha Trang, Sài Gòn...
"Phải lòng" Việt Nam, hai "bông hồng" Nga quyết định ở lại và học tiếng Việt
"Chúng tôi hát xong một khúc khán giả đã vỗ tay rồi, khúc thứ hai họ tiếp tục vỗ tay. Và khi họ đến, họ thường khen: hay quá, tại sao bạn hát tiếng Việt hay vậy... Dù chúng tôi nói “cũng chưa được tốt lắm”thì họ vẫn khen “không đâu, chúng tôi rất thích”", Sonya hạnh phúc kể về niềm vui mỗi lần du ca trên phố đi bộ. Cô em gái Viola cũng kể thêm: "Đúng vậy, con người ở đây thật ngọt ngào, dễ mến. Có lẽ, người Việt Nam là dễ mến nhất trên thế giới! Họ khiến chúng tôi muốn ở lại đây và khám phá âm nhạc, văn hóa của họ".
Và vậy là, để tìm hiểu về Việt Nam, hai cô gái bắt đầu tìm học các ca khúc tiếng Việt. Họ được một người bạn Việt Nam chỉ dạy cách phát âm hoàn toàn miễn phí. Thời gian đầu, Sonya như "quay cuồng" khi nhầm lẫn liên tục cách phát âm tiếng Việt và tiếng Anh. Cô không thể phân biệt được u, ư, o, ô, ơ.
"Người bạn ấy đã mất rất nhiều thời gian để giúp tôi phân biệt được sự khác nhau của các âm đó. Bây giờ thì ổn rồi. Nếu tôi muốn học một bài hát mới, tôi không còn cảm thấy khó khăn nữa. Tôi chỉ cần nghe bài hát và học theo. Tôi có thể hát 12 bài hát tiếng Việt rồi như là Nhật ký của mẹ, Bèo dạt mây trôi, Người ơi người ở đừng về, Cây trúc xinh... Một vài bài hát hiện đại khác như Em của ngày hôm qua, Đừng yêu nữa em mệt rồi, Em gái mưa, Hello/ Xin chào Việt Nam...", Sonya cho biết.
Hiện giờ, Sonya đang cố gắng học nói và viết tiếng Việt, đồng thời "gia sư" cho em gái của mình về tiếng Việt. "Thật may là âm nhạc Việt rất tuyệt khiến chúng tôi học tiếng Việt hứng thú hơn", cô cho biết.
Mang theo cây đàn, chị em Firsova đi đến nhiều vùng đất khác nhau tại Việt Nam. Họ nhận ra âm nhạc Việt Nam thực sự rất đặc biệt, độc nhất và khác hẳn âm nhạc ở những quốc gia khác. "Đặc biệt là âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Từ lần đầu nghe tôi đã phải thốt lên: “Wow”. Nghe nó gần như là âm thanh của thiên nhiên, như tiếng chim thậm chí không phải là tiếng con người hay tiếng nhạc cụ. Điều đó rất là thú vị và khác biệt so với những quốc gia khác. Và thậm chí nền âm nhạc hiện đại ở Việt Nam như nhạc pop vẫn có những ảnh hưởng từ âm nhạc truyền thống", hai cô gái nhận xét.
Hiện nay, chị em Firsova biểu diễn trên phố đi bộ Hồ Gươm vào 3 tối cuối tuần. Họ cũng được mời tham gia nhiều sự kiện, chương trình âm nhạc lớn nhỏ, các show chụp hình thời trang... "Chúng tôi cũng đang bắt tay thực hiện các dự án phi lợi nhuận về âm nhạc Việt", Sonya cho biết. Nhiều video âm nhạc hát bằng tiếng Việt của hai chị em đạt hàng trăm nghìn lượt xem trên mạng xã hội.
"Thật may mắn khi chúng tôi ở Việt Nam. Trong khi nhiều quốc gia đang đối mặt với dịch Covid-19 thì chúng tôi đang ở đây hạnh phúc, an toàn và vẫn có thể cầm cây đàn, ngân nga hát khắp nơi. Tôi yêu Việt Nam!", chị em Firsova bày tỏ.
Nguồn internet