Đa dạng hóa các loại hình du lịch ở Uông Bí (Quảng Ninh)
Nói đến du lịch Uông Bí bấy lâu nay người ta thường nghĩ đến du lịch văn hoá tâm linh, trong đó trọng điểm là Yên Tử và hệ thống di tích trên địa bàn. Thế nhưng, hiện nay Uông Bí đang tập trung phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: Du lịch tham quan thắng cảnh, du lịch trải nghiệm...
Vẻ đẹp thơ mộng của hồ Yên Trung.
Cũng giống như nhiều địa phương khác, trước đây, khu di tích danh thắng Yên Tử không tránh khỏi đó là yếu tố mùa vụ, trong đó hoạt động du lịch chủ yếu tập trung đông khách vào 3 tháng lễ hội đầu năm. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển du lịch địa phương.
Để khắc phục, chính quyền địa phương cũng như Công ty CP Phát triển Tùng Lâm (đơn vị đầu tư, khai thác khu dịch vụ Yên Tử) đã đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Đơn cử xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đất Yên Tử như: Học sử trên đỉnh non thiêng, hành hương theo dấu chân Phật hoàng, du lịch trải nghiệm thiền tại chùa Hoa Yên, chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc nhà Trần, trải nghiệm tinh dầu Yên Tử... nhằm thu hút các du khách khám phá vẻ đẹp văn hoá, truyền thống, tôn giáo.
Cùng với đó, dự án Khu trung tâm lễ hội và dịch vụ du lịch Yên Tử với quy mô gần 16ha, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng đã đưa một phần vào sử dụng. Tiêu biểu là làng Hành Hương với không gian làng quê Việt, du khách được thưởng lãm các làn điệu ca múa nhạc dân tộc, hát chèo, xẩm, múa bài bông…; thưởng thức các món ăn dân dã ở chợ quê như: Bánh chưng nếp cẩm, bánh gio; tham quan các làng nghề truyền thống tiêu biểu. Giờ đây, du khách không chỉ tới Yên Tử tham quan, chiêm bái mà còn tham gia các hoạt động du lịch trải nghiệm, từ đó, khách du lịch quanh năm, khắc phục yếu tố mùa vụ, góp phần phát triển du lịch địa phương.
Đánh thức thế mạnh về những cảnh quan tự nhiên hồ Yên Trung, Lựng Xanh trên địa bàn, Uông Bí đang dần mở ra loại hình du lịch tham quan. Hồ Yên Trung được ví như Đà Lạt của Uông Bí, bao gồm vành đai rừng với hệ thực vật phong phú, cây thông nhựa làm chủ đạo bao quanh hồ nước trong xanh rộng 50ha tĩnh lặng, có các đảo cây xanh nổi trên mặt hồ.
Hiện nay, địa phương đang khẩn trương thực hiện các bước xây dựng tuyến đường quanh hồ trên cơ sở nâng cấp đường tuần tra, bảo vệ, phòng chống cháy rừng với quy mô dự kiến dài 2,8km, rộng 3,5-5m, nền bê tông với giá trị đầu tư gần 20 tỷ đồng. Dọc tuyến có xây dựng cống hộp và cầu dân sinh để tiêu thoát nước, 2 bên đường trồng hoa giấy theo thiết kế riêng. Từ đó, tuyến đường sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, thưởng ngoạn cảnh đẹp của người dân và du khách, tạo diện mạo mới cho khu vực hồ, thu hút doanh nghiệp đầu tư, quản lý và khai thác.
Hay như khu du lịch sinh thái Lựng Xanh, thành phố đã “mạnh tay” phá dỡ 7 đập đất xây dựng trái phép dọc chiều dài dòng thác Lựng Xanh để trả lại hiện trạng dòng chảy, tăng lưu lượng nước và đảm bảo cảnh quan môi trường vốn có của thác Lựng Xanh. Phát huy thắng cảnh này, thành phố đang nghiên cứu cải tạo con đường dẫn lên thác Lựng Xanh tạo thuận lợi cho du khách, bổ sung biển chỉ dẫn tham quan, đầu tư hệ thống cầu kính qua thác phục vụ du khách dã ngoại, cắm trại, chụp ảnh. Trên cơ sở đó, thành phố cũng nghiên cứu hình thành tuyến du lịch Yên Tử - hồ Yên Trung - hồ Công viên - Lựng Xanh - Ba Vàng.
Bên cạnh đó, giữa tháng 5 vừa qua, thành phố đã khánh thành Quảng trường 25/2, tổng diện tích sử dụng trên 15.000m2, tổng mức đầu tư trên 40,5 tỷ đồng. Với mục tiêu biến công trình thành một địa điểm du lịch trải nghiệm, khu văn hóa mang tính cộng đồng, thành phố đã quy hoạch Quảng trường bao gồm khu công viên nước, khu trò chơi trên cạn, khu phố đi bộ, quầy lưu niệm, khu phố ẩm thực, khu thể dục thể thao trên, đài phun nước, bãi đỗ xe… Thành phố cũng sẽ bổ sung thêm 70-100 ki ốt dịch vụ bằng vật liệu thân thiện với môi trường, tượng trang trí, bồn hoa, khu biểu diễn nghệ thuật... hình thành tuyến phố đi bộ với các khu vực dịch vụ đáp ứng nhu cầu du lịch trải nghiệm, thu hút trên 100.000 khách/năm. Cùng với đó, TP Uông Bí đang xúc tiến ý tưởng phát triển du lịch trải nghiệm sinh thái dưới chân Yên Tử, cánh đồng hoa, sản xuất cây thuốc nam, sản phẩm OCOP, làng văn hoá dân tộc Dao. Thành phố xây dựng chợ Yên Thanh theo mô hình phiên chợ Hàng (Hải Phòng), trong đó, bày bán thú cưng, cây cảnh, chim cảnh... Dự kiến, chợ sẽ được đưa vào hoạt động trước 2/9, trở thành điểm tham quan, vui chơi, mua sắm lý tưởng cho những người yêu thiên nhiên, động, thực vật.
Với việc tập trung mọi nguồn lực để đa dạng hóa loại hình du lịch, Uông Bí sẽ đưa ngành công nghiệp không khói của mình nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, xứng đáng là trọng điểm của tỉnh, toàn quốc./.
Nguồn: Báo Quảng Ninh