Vĩnh Phúc: Phát triển du lịch Homestay theo xu thế du lịch thế giới
Trào lưu du lịch kết hợp với homestay đang ngày càng phát triển rộng rãi trên toàn thế giới, du khách không chỉ tham gia sống, ăn ở và sinh hoạt chung với chủ nhà mà còn tạo cơ hội để du khách kết bạn với người bản xứ, tình bạn này có thể được duy trì bền vững ngay cả sau chuyến du lịch. Du lịch homestay giúp quảng bá hình ảnh về đất nước và con người một cách gần gũi và chân thật nhất. Đặc biệt đối với những gia đình có con cái trong độ tuổi đang đi học và phát triển tri thức, đây có thể xem là phương thức hay và hiệu quả nhất để rèn luyện ngôn ngữ, khả năng giao tiếp và vốn kiến thức về các nền văn hóa khác nhau.
Ở Việt Nam đã có rất nhiều địa phương đang phát triển loại hình dịch vụ này như Sapa (Lào Cai), làng chài Cửa Vạn (Quảng Ninh),... mang lại một số thành công nhất định, góp phần nâng cao đời sống hàng ngày cho người dân tại đây. Loại hình homestay không chỉ có tác động tích cực đến sự phát triển chung của du lịch mà còn đang có tác động sâu sắc đến xã hội như: tăng cường giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử của người dân bản địa và du khách; tạo ra sự giao lưu văn hóa, phong tục tập quán giữa các dân tộc, sự gắn bó của chính quyền địa phương và người dân bản xứ; giáo dục ý thức về phong cách ứng xử trong cộng đồng người dân. Đồng thời, loại hình du lịch này cũng có tác động đến kinh tế như: thu hút các nhà đầu tư vào du lịch và các lĩnh vực khác như: hệ thống giao thông, trường học, trùng tu các di tích lịch sử… tạo ra nguồn thu nhập cho người dân, tạo cơ hội việc làm cho nhiều hộ gia đình nghèo; góp phần vào chương trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Du lịch homestay cũng là cách thức tạo nên tính độc đáo trong bức tranh du lịch của địa phương, hay nói cách khác, homestay hứa hẹn tạo nên diện mạo riêng để dần hình thành nên sản phẩm du lịch đặc thù.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Vĩnh Phúc một kho tàng các danh thắng thiên nhiên hùng vĩ như núi Sáng, thác Bay, thác Bạc, hồ Thanh Lanh, hồ Xạ Hương, núi Tam Đảo,… cùng nhiều thác, hồ nổi tiếng khác. Vĩnh Phúc là địa bàn sinh sống của rất nhiều các dân tộc anh em mà tiêu biểu trong đó có dân tộc Sán Dìu, Cao Lan. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hoá đặc trưng độc đáo, được thể hiện qua các phong tục tập quán, lễ hội dân gian, các làn điệu dân ca như hát Sọong Cô – làn điệu dân ca đặc sắc của người dân tộc Sán Dìu, được lưu giữ hàng trăm năm trong kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian ở Vĩnh Phúc, trống quân Đức Bác, ẩm thực với đặc sản như rau su su, cá thính, chè kho Tứ Yên,...
Cùng với đó là hệ thống giao thông đi lại thuận tiện, nhiều tuyến đường được cải tạo, xây mới. Đây chính là thế mạnh để Vĩnh Phúc phát triển loại hình du lịch homestay. Vĩnh Phúc đang hướng đến phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn nên việc đầu tư vào du lịch homestay sẽ giúp đưa du lịch Vĩnh Phúc đến gần hơn với xu thế du lịch của thế giới, thu hút du khách cả trong nước và quốc tế. Việc xây dựng mô hình du lịch homestay sẽ đem lại sự đổi thay theo hướng tích cực đối với các làng bản, nhận thức của cán bộ và người dân về du lịch nói chung và du lịch homestay từng bước sẽ được nâng lên.
Để loại hình du lịch này phát triển tương xứng với tiềm năng cần có sự liên kết giữa cộng đồng địa phương, các đơn vị kinh doanh lữ hành và các cấp quản lý.
Cộng đồng địa phương là “nhân tố quan trọng” xâu chuỗi và chuyển tải các giá trị của sản phẩm du lịch đến du khách. Từ đó, cộng đồng địa phương, đặc biệt là các hộ dân tham gia trực tiếp phải tự ý thức một cách nghiêm túc trong quá trình xây dựng, đảm bảo và duy trì chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách. Chủ nhà cần có thái độ tiếp đón ân cần, sự am hiểu về môi trường sống cả tự nhiên lẫn nhân văn tạo cảm giác gần gũi, thân thiện như đang ở nhà cho du khách. Tuy nhiên, rào cản về mặt ngoại ngữ chính là khó khăn đối với người dân trong quá trình đón tiếp các du khách quốc tế.
Hiện trên địa bàn Vĩnh Phúc có rất nhiều doanh nghiệp lữ hành là “cầu nối” tạo cơ hội cho du khách và cộng đồng địa phương. Thông qua các đơn vị kinh doanh lữ hành, các hoạt động và sản phẩm du lịch gắn liền với loại hình du lịch homestay sẽ được quảng bá đến gần hơn với du khách. Tuy nhiên, các thông tin quảng bá cần rõ ràng, chuẩn xác tránh lạm dụng kĩ xảo marketing quá mức để khiến du khách hụt hẫng khi tiếp cận các sản phẩm không diễn ra đúng với những gì được giới thiệu lúc ban đầu.
Vai trò tiếp theo để hoàn thiện loại hình du lịch homestay là các cấp quản lý. Đây là “đòn bẩy” quan trọng trong quá trình hỗ trợ cho cộng đồng địa phương và các đơn vị kinh doanh lữ hành nhằm hoàn chỉnh và hiện thực hóa các hoạt động và sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách. Các cấp có thẩm quyền cần phối hợp khảo sát và đánh giá đúng năng lực của các hộ dân nhằm phân cấp và dán nhãn chất lượng cho các gia đình đăng ký kinh doanh loại hình du lịch homestay. Công tác này cần được tiến hành một cách thường xuyên để đảm bảo tính công bằng khi triển khai cần có một bộ tiêu chí phù hợp. Cho nên việc xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá và dán nhãn chất lượng cần được xúc tiến một cách nghiêm túc trên cơ sở tham khảo các mô hình thực hiện du lịch cộng đồng thông qua hình thức homestay trên thế giới và tại Việt Nam. Song song với việc tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh lữ hành khi đưa khách đến địa phương, chính quyền địa phương cần quản lý một cách cặn kẽ nhằm hạn chế các vấn đề tiêu cực ảnh hưởng về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.
Tại Vĩnh Phúc, du lịch homestay vẫn còn là hình thức du lịch tiềm năng, chưa được khai thác và đầu tư để phát triển. Với hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, Vĩnh Phúc có đủ điều kiện để phát triển loại hình du lịch homestay trong tương lai./.
Nguồn: vinhphuc.tourism.vn