Lễ hội Lồng tồng của người Tày ở Thái Nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội Lồng Tồng (Hội xuống đồng) là lễ hội truyền thống mang đậm đà bản sắc dân tộc của người Tày ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh Việt Bắc nói chung. Lễ hội thường được tổ chức vào những ngày đầu xuân mới hằng năm ở những đám ruộng to nhất, đẹp nhất.
Lễ hội gồm 2 phần: phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no. Ðể chuẩn bị lễ ở ngoài đồng, mỗi gia đình sắm một mâm cỗ theo khả năng, có nhiều nhà làm từ vài chục đến một trăm món. Có những gia đình dâng mâm cao đến 5 tầng lễ vật, ngoài các loại bánh kẹo còn có các món ăn được chế biến công phu, trên mỗi mâm đều có một chiếc bánh hình bông hoa nhiều mầu sắc. Mỗi mâm cỗ còn có thêm hai đôi quả còn được làm bằng vải màu, trong nhồi cát, bông, có tua rua nhiều màu sắc sặc sỡ.
Những mâm cỗ tế lễ được người dân trong vùng chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với lòng thành kính, biết ơn các vị thần rừng, thần núi, thần trời và thần đất. Đây không chỉ thể hiện nét đặc sắc trong truyền thống của bà con dân tộc mà còn thể hiện ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong đời sống văn hóa của họ.
Khi cỗ được bày xong, người đựơc dân làng tín nhiệm tiến cử thực hiện nghi lễ cầu cúng cầu mong đất trời, thần linh phù hộ cho bản làng. Phần cúng lễ cũng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, còn dành thời gian cho phần hội.
Một trong phần lễ quan trọng trong Lễ hội Lồng tồng là lễ tịch điền và hội thi cấy. Với mong ước của người Định Hóa cầu cho mưa thuận gió hòa, mang lại thật nhiều no ấm, đây cũng là một nét sinh động của nền văn hóa phong phú, đa dạng và giàu bản sắc.
Việc Lễ hội Lồng Tồng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa quan trọng, góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội./.
Nguồn: Cinet.vn