khách sạn ở đông anh
Đặt phòng nhanh
Thông Tin Liên Hệ

Điện thoại liên hệ: 043.951.5439

Hotline đặt phòng: 088.8183032

04.6660.5552

Email: kimcuonghotel.vn@gmail.com

info@kimcuonghotel.vn

sales@kimcuonghotel.vn

Lượt truy cập
  • 8
  • 1699
  • 4,405,571

Thừa Thiên- Huế: Phát triển nghề dệt Zèng trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng

  24/11/2017
Việc bảo tồn và phát triển nghề dệt Zèng truyền thống không chỉ giữ gìn biểu tượng văn hóa lâu đời của bà con dân tộc Tà Ôi, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho bà con.

 

Nét riêng nghề dệt Zèng của người Tà Ôi

Zèng là từ để chỉ những sản phẩm thổ cẩm của dân tộc Tà Ôi. Trong văn hóa của người Tà Ôi, Zèng được coi là thước đo nhiều giá trị, đóng vai trò rất quan trọng, không thể thiếu trong hoạt động tín ngưỡng, thờ cúng. Zèng cũng là vật đính ước của các cô gái với ý trung nhân hoặc để thể hiện lòng hiếu thuận với ông bà, cha mẹ của chồng tương lai.


 

Nghề dệt Zèng của người Tà Ôi là sự kết tinh những giá trị văn hóa lâu đời, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mỗi người phụ nữ, người con gái sinh ra đều phải biết dệt Zèng. Bởi theo quan niệm của bà con thì con gái biết dệt Zèng mới được nhiều người để ý; đến tuổi lấy chồng, cô dâu còn phải dệt được tấm Zèng đẹp để tặng người trong gia đình nhà chồng, để thể hiện mình là một người con gái đảm đang, giỏi giang, khéo léo...

Phụ nữ Tà Ôi không dệt Zèng trên những bộ khung cửi đồ sộ và phức tạp như người Thái hay người Mường. Khung dệt của người Tà Ôi được kết cấu từ những khúc tre hoặc gỗ rời, khá đơn giản và gọn nhẹ, tiện lợi để dệt mọi lúc mọi nơi. Sản phẩm dệt Zèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tà Ôi.

Để có một tấm Zèng đẹp, người phụ nữ Tà Ôi phải bỏ rất nhiều thời gian để phân loại từng sợi vải có kích thước màu sắc đồng đều, phù hợp với mục đích sử dụng. Cùng với vải sợi, hạt cườm để xâu kết thành hoa văn cũng góp phần tạo nên giá trị của tấm Zèng. Vải Zèng càng có nhiều hoa văn cườm, càng có giá trị cao. Xưa kia, người Tà Ôi thường dùng loại cườm lấy từ hạt cây a rạc, mọc rất nhiều trong rừng, có hạt như hạt tiêu, khi phơi khô thì rất cứng và có lỗ ở tâm, rất tiện lợi để xâu thành chuỗi trang trí trên Zèng. Cườm làm từ chì nấu chảy cũng được người Tà Ôi sử dụng từ rất sớm.

Nét độc đáo và riêng biệt của dệt Zèng là người dệt sẽ đưa cườm trực tiếp vào sản phẩm để dệt chứ không đính kết lên và cách tạo hoa văn cũng chính bằng cườm chứ không bằng chỉ màu như các sản phẩm thổ cẩm nơi khác. Quá trình chèn cườm lên Zèng đòi hỏi người dệt phải rất thành thạo việc sắp xếp các hạt cườm. Người dệt có thể tự do sáng tạo các hoa văn tùy theo mắt quan sát và trí tưởng tượng của mình. Mỗi sản phẩm Zèng vì thế đều in dấu ấn tài hoa của người làm ra nó.

Vực dậy một làng nghề

Theo thời gian, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, văn hóa, xã hội, nhiều cái mới xuất hiện, những nét văn hóa lâu đời của dân tộc cũng vì thế mà nhạt dần. Nghề dệt Zèng cũng không thể tránh khỏi quy luật này cho dù có không ít nghệ nhân tâm huyết mong muốn vực dậy nghề truyền thống bao đời của ông cha.

Nghệ nhân Hồ Văn Hạnh (làng Ân Trieng, xã Hồng Trung, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), một sản phẩm Zèng thường phải làm rất công phu, mất thời gian và giá thành khá cao. Chưa kể đến việc càng ngày nguyên liệu dệt càng hạn chế, nhu cầu sử dụng thổ cẩm Zèng cũng không còn nhiều, nên nghề dệt cũng dần bị mai một, chỉ còn một bộ phận nhỏ còn quyết tâm bám trụ.
 Có một khoảng thời gian, nghề dệt Zèng tưởng chừng như sẽ “ngủ quên” giữa dãy Trường Sơn đại ngàn. Thế nhưng, bằng quyết tâm và nỗ lực không ngừng, đồng bào dân tộc Tà Ôi đã từng bước vực dậy nghề truyền thống của dân tộc mình.

Trên cơ sở đề án khôi phục nghề truyền thống của bà con dân tộc Tà Ôi, chính quyền địa phương đã tổ chức các lớp dạy dệt Zèng và những nghệ nhân dân gian am hiểu về kỹ thuật dệt là những người trực tiếp hướng dẫn cho thế hệ trẻ. Hiện dệt Zèng ở A Lưới đã và đang tạo thêm nhiều việc làm cho người dân trong lúc nhàn rỗi. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, có thể khai thác nét văn hóa này thành sản phẩm du lịch đặc trưng thông qua phục vụ các tour, tuyến du lịch nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, lịch sử làng nghề… về dệt Zèng.

Đặc biệt, cuối năm 2016, Bộ VHTTDL đã có quyết định công nhận nghề dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này không chỉ quảng bá và tôn vinh nghề dệt Zèng mà còn nâng cao ý thức, trách nhiệm các ngành, các cấp và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt Zèng, góp phần gìn giữ di sản văn hóa dân tộc./.

Nguồn: cinet.vn

Tin tức mới Xem tất cả