Quảng Ninh phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa
Quảng Ninh là vùng đất chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, di sản văn hóa ở Quảng Ninh đã trở thành tài nguyên du lịch hấp dẫn để khai thác phục vụ du lịch.
Du khách thập phương hành hương về Khu di tích lịch sử, dang thắng Yên Tử (TP Uông Bí).
Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh có hơn 600 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng, trong đó có 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Chỉ tính riêng di sản văn hóa phi vật thể, Quảng Ninh có trên 360 di sản, trong đó có 76 lễ hội dân gian truyền thống. Các lễ hội này diễn ra hàng năm gắn với di tích, khu di tích và tập trung từ tháng Giêng cho đến tháng 3 âm lịch, trải dài khắp các địa phương trong tỉnh, như: Lễ hội Tiên Công, lễ hội Yên Tử, lễ hội Ngọa Vân, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội đình Lục Nà... Ngoài ra có một số lễ hội diễn ra vào giữa năm như: Lễ hội đình Quan Lạn, đình Trà Cổ, lễ hội đền Sinh...
Điều đáng nói, các lễ hội gắn liền với các khu di tích, danh lam thắng cảnh văn hóa này đã thu hút rất đông du khách thập phương đến tham quan. Trong đó, phải kể đến: Đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), chùa Long Tiên (TP Hạ Long), chùa Cái Bầu - Thiền Viện Trúc Lâm Giác Tâm (Vân Đồn), chùa Ngọa Vân (Đông Triều)... Đặc biệt là khu di tích văn hóa danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) lâu nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn, hành trình không thể thiếu của du khách, phật tử trong và ngoài nước khi đến với Quảng Ninh. Lượng khách đến khu danh thắng này tập trung đông nhất trong 3 tháng lễ hội (từ tháng Giêng cho đến tháng 3 âm lịch hàng năm). Trung bình mỗi mùa lễ hội, Yên Tử đón gần 2 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, chiêm bái. Nếu như trước đây, Yên Tử chỉ tập trung đón khách trong mùa lễ hội thì vài năm trở lại đây, khu di tích lịch sử danh thắng Yên Tử đã đón khách du lịch quanh năm. Để thu hút khách du lịch, Yên Tử đã đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch mới gắn với khu dịch vụ để phục vụ du khách.
Cùng với Yên Tử, di tích đền Cửa Ông cũng thu hút một lượng du khách khá đông. Mỗi mùa lễ hội, khu di tích quốc gia đặc biệt này thu hút hàng vạn du khách đến tham quan, chiêm bái. Lễ hội đền Cửa Ông cũng là một trong 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của chuyên gia văn hóa, Quảng Ninh là một địa phương có nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có một bản sắc riêng, tạo cho địa phương sự phong phú, đa dạng về văn hóa. Các di sản văn hóa của Quảng Ninh trải dài từ Đông Triều đến Móng Cái cho đến các đảo xa đất liền như Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng... Những hình thái diễn xướng như hát giao duyên của ngư dân trên Vịnh Hạ Long, hát soóng cọ của người Sán Chỉ, hát soọng cô của người Sán Dìu, lễ cấp sắc của người Dao, những tác phẩm văn học truyền miệng và còn rất nhiều những sắc thái văn hóa đa dạng khác còn tiềm ẩn chưa được khai thác.
Thực tế đã chứng minh, di sản văn hóa là động lực thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong nước và khách du lịch quốc tế đến Quảng Ninh. Đây cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ninh. Di sản văn hóa cũng là môi trường tương tác và là những trải nghiệm đáng giá cho du khách, qua đó trở thành tài nguyên, nguồn lực chiến lược cho phát triển du lịch. Cũng chính sức cuốn hút ấy của di sản văn hóa đã tạo nên những làn sóng đầu tư vào du lịch di sản, những dòng khách du lịch tấp nập đổ về tham quan. Điều đó mang lại không chỉ những kết quả tăng trưởng lan tỏa nhiều mặt về kinh tế - xã hội, mà còn bảo tồn chính di sản văn hóa.
Thời gian qua, bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và huy động xã hội hóa, hàng trăm di tích của Quảng Ninh đã được tiến hành tu bổ, tôn tạo, phục hồi theo đúng trình tự, quy định của Nhà nước, đã và đang đóng vai trò tích cực phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tuổi thọ của công trình kéo dài, những yếu tố gốc cấu thành di tích được gìn giữ cũng như tạo cơ sở vật chất quan trọng cho các hoạt động khai thác, phát huy giá trị của di tích.
Tuy nhiên, trong xu hướng du lịch tăng trưởng mạnh như hiện nay, do tính chất nhạy cảm và dễ bị tổn thương của di sản mà quá trình vận động du lịch ồ ạt, thiếu kiểm soát ở một số di tích đang có không ít những tác động nhiều mặt như: Khai thác thương mại hóa quá mức, quá tải về khách, lạm dụng di sản, phục dựng sai quy cách, làm mới di sản..., làm cho di sản nhanh xuống cấp, méo mó, nhạt nhòa giá trị… Hệ lụy của việc phát triển du lịch di sản thiếu kiểm soát, thiếu bền vững đó đang đe dọa tới tính nguyên vẹn của di sản.
Để phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, bên cạnh làm tốt công tác bảo tồn, Quảng Ninh tập trung khai thác các yếu tố đặc trưng văn hóa của địa phương để xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch với đặc thù, cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Quảng Ninh dựa vào những giá trị nổi bật về di sản, những giá trị chân thực về văn hóa truyền thống, lối sống địa phương. Đồng thời phát huy các giá trị di sản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, trùng tu di tích đúng quy cách sẽ là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch có chiều sâu và bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành Du lịch cũng như vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Có thể nói, du lịch gắn với di sản văn hóa đang ngày càng phát triển, trở thành một loại hình du lịch quan trọng trong “ngành công nghiệp không khói” của Quảng Ninh. Đây là loại hình du lịch đặc biệt luôn có sức hấp dẫn với du khách gần xa./.
Nguồn: Báo Quảng Ninh