khách sạn ở đông anh
Đặt phòng nhanh
Thông Tin Liên Hệ

Điện thoại liên hệ: 043.951.5439

Hotline đặt phòng: 088.8183032

04.6660.5552

Email: kimcuonghotel.vn@gmail.com

info@kimcuonghotel.vn

sales@kimcuonghotel.vn

Lượt truy cập
  • 39
  • 2314
  • 4,406,186

Lan tỏa giá trị Then cổ của đồng bào Tày ở Quảng Ninh

  25/02/2020
Cuối năm 2019 vừa qua, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Di sản này thuộc cộng đồng Tày, Nùng, Thái của 11 tỉnh khu vực phía Bắc, trong đó có người Tày ở Quảng Ninh.


Thực hành Nghi lễ Then tại cộng đồng người Tày ở Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh - một trong 11 tỉnh sở hữu di sản tại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Trung Hà (CTV)

Vốn quý của đồng bào Tày

Then cổ (Then nghi lễ) của đồng bào Tày ở Quảng Ninh là nghi lễ diễn xướng nghệ thuật tổng hợp (gồm hát, nhạc, nhảy múa, trang phục…) nhằm hướng tới mục đích cầu mong cuộc sống bình an, tốt đẹp của con người. Bên cạnh yếu tố thiêng này, nó còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ trong cuộc sống hàng ngày của đồng bào. Đây là nét đặc sắc trong diễn xướng Then cổ mà không phải ở tộc người nào cũng có được.

Qua khảo sát về Then của người Tày ở huyện Bình Liêu, nơi có đông đồng bào Tày nhất trên địa bàn Quảng Ninh thì Then hay “Diễn xướng Then nghi lễ cổ”, theo tiếng Tày “Cái pang Then” tức là người thuộc các làn điệu Then cổ, đã được cấp sắc để thể hiện các nghi lễ của tộc người Tày.

Then cổ có nhiều làn điệu phục vụ các nghi lễ cúng tế, nội dung diễn tả con đường Then đưa binh mã đi qua ba tầng Trời để làm lễ vừa hiện thực vừa lãng mạn, lại có âm nhạc chắp cánh cho lời ca thêm bay bổng, nên có sức dẫn dắt người nghe từ thực tại cuộc sống đi vào cõi mộng mơ, nó trở thành một nhu cầu tâm linh bên cạnh các hình thức cúng tế khác như hát Pụt, làm Tào của tộc người Tày.

Loại hình diễn xướng này có ba hình thức chính là: Sỉng Lảu Then (cấp sắc Then); Hỉ phúc (cầu phúc, cầu an, giải hạn), Vàn phúc (hoàn trả lễ tiễn bà Mụ về Trời); So Bióoc (cầu hoa, cầu có con nối dõi tông đường). Then cổ được thể hiện (kể lại) bằng giai điệu dễ hát với lời thơ trau chuốt dễ thuộc, chỉ cần một Tính tẩu (đàn Tính) đệm thôi là cả đêm hát cúng Then hiện ra, khiến người nghe, người xem tưởng như mình cùng đi trong đoàn quan quân binh mã cờ xí rợp đất, trống chiêng vang trời do Quan Then dẫn đi về tiên tổ.

Là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian, tín ngưỡng lâu đời tiêu biểu của người Tày, được truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác, Then phản ánh một cách sinh động đời sống xã hội Tày. Ở lớp Then cổ, xã hội Tày được hiện lên qua sự xâu chuỗi hàng loạt các mẩu thần thoại, truyện kể cùng những câu châm ngôn, thành ngữ, tục ngữ…

Còn với lớp Then muộn, xã hội đó được miêu tả khá sinh động qua các hiện tượng, sự việc có thực trong đời sống xã hội thời phong kiến (cảnh phu phen, cống nạp, nạn nhũng nhiễu chốn quan trường..., phản ánh chân thật về xã hội người Tày ở một thời đã qua).

Thông qua việc phê phán, khuyên răn, ca ngợi được thực hiện bằng hình thức diễn xướng hát có đệm đàn, Then đã đạt được hiệu quả tích cực trong giáo dục cộng đồng. Với tính chất là một lễ hội của nghề Then, Then cấp sắc đã thể hiện trong nó khá nhiều nét đẹp trong truyền thống văn hoá của người Tày. Đó là tinh thần cộng đồng, sự đoàn kết tương trợ giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và rộng ra là trong làng bản.

Bởi lẽ, để làm được một lễ cấp sắc, bản thân thầy Then và gia đình thầy phải nhờ đến sự trợ giúp về công sức của nhiều người không chỉ trong gia đình, dòng họ mà trong cả bản làng. Sự giúp đỡ vô tư, sự cổ vũ nhiệt tình và trân trọng của cộng đồng đã chứng tỏ rằng Then có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội của người Tày.      

Lan toả giá trị di sản

Then cổ đã tồn tại lâu đời và có vị trí quan trọng trong cộng đồng người Tày ở Quảng Ninh nhưng cũng không tránh khỏi sự mai một do tác động của đời sống hiện đại. Do điều kiện kinh tế, nhận thức của lớp trẻ, sự giao thoa của các yếu tố văn hoá tiên tiến, sự truyền dạy chỉ được thực hiện trong gia đình người làm thầy nên hầu như các diễn xướng Then cổ được tổ chức trong cộng đồng người Tày ở các địa phương, kể cả Bình Liêu không còn được như xưa.

Các nhóm thầy Then cũng ít đi hoặc có nguy cơ mai một do có một thời, chúng ta từng cấm các thầy Then hành nghề, cấm các hoạt động cúng lễ, diễn xướng Then nghi lễ; vì vậy sau này các nghi lễ Then có được tổ chức song phần lớn ở quy mô nhỏ hoặc rút gọn lại. Số đông lớp trẻ hiện nay ít quan tâm đến Then, số làm Then phần lớn là buộc phải nối nghiệp tổ tiên…

Nhận thức về giá trị của di sản này, từ năm 2006, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị của nghi lễ Then cổ tại Bình Liêu. Đó là khôi phục, tạo một không gian diễn xướng Then khi phục dựng lễ hội đình Lục Nà; triển khai đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian tộc người Tày ở tỉnh Quảng Ninh”; triển khai dự án “Sưu tầm, bảo tồn Then cổ tộc người Tày huyện Bình Liêu…

Nghi lễ Lảu Then của người Tày ở địa phương cũng được phục dựng cùng với việc xây dựng các CLB đàn Tính, hát Then, sáng tác Then và mở các lớp dạy đàn Tính, hát Then. Năm 2012, di sản này đã được vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, tạo cơ hội cho Then cổ được bảo tồn, phát huy mạnh mẽ hơn.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hàng năm huyện cũng tổ chức các lớp truyền dạy đàn Tính cho học sinh, các nghệ nhân truyền dạy hát Then, đàn Tính trong cộng đồng, bảo tồn nghề chế tác đàn Tính 2 dây bằng vỏ quả bầu khô trong nhân dân. Nhiều nghệ nhân hát Then, chế tác đàn Tính đã được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú, như: Bà Hà Thị Phương, Nông Thị Sin, ông Hoàng Thiêm Thành, Lương Thiêm Phú; công nhận Nghệ nhân dân gian Việt Nam như ông Ngô Đức Nguyên (đã mất), bà Hoàng Thị Viên.

Then nghi lễ của đồng bào Tày ở Bình Liêu đã được mang đi biểu diễn ở nhiều sân khấu lớn trong và ngoài tỉnh. Hát Then, đàn Tính cũng được địa phương đưa vào phục vụ du lịch thông qua các đội hát gắn với du lịch trải nghiệm văn hóa.

Cùng với các trích đoạn Then nghi lễ, Then đã được các nghệ nhân đặt lời mới, cải tiến nhạc cho gần gũi với đời sống hơn, để trình diễn trong các dịp lễ hội, tết, đám cưới, các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ quần chúng… góp phần gia tăng niềm tự hào cũng như ý thức gìn giữ vốn quý truyền thống của dân tộc./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Tin tức mới Xem tất cả