Sơn La tăng cường đầu tư, quảng bá, phát triển du lịch
Nằm ở vị trí trung tâm của Tây Bắc, Sơn La là vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em, với những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú.
Cầu Pá Uôn (Quỳnh Nhai) trong ngày hội đua thuyền truyền thống
Sơn La còn là miền đất có tới 37 di tích lịch sử cách mạng, 36 di tích khảo cổ học, 14 di tích danh thắng, 3 di tích kiến trúc nghệ thuật, đã được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt, là trung tâm liên kết du lịch Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc và nước bạn Lào. Đó là những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch và là điểm đến hấp dẫn của du khách.
Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Sơn La đã xây dựng chiến lược phát triển du lịch và chính sách khuyến khích phát triển du lịch giai đoạn 2001-2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Đặc biệt, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Mộc Châu, mở ra triển vọng mới về phát triển du lịch; tỉnh Sơn La cũng đã áp dụng nhiều chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch. Hiện nay, hạ tầng du lịch của tỉnh được quan tâm đầu tư và bước đầu phát huy hiệu quả; nhiều lễ hội dân gian của các dân tộc được phục dựng, bảo tồn và phát huy; huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí, phục vụ nhu cầu của du khách; nhiều loại hình du lịch mới được hình thành như: du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Năm 2016, toàn tỉnh có 150 cơ sở lưu trú, công suất sử dụng phòng đạt 65%, thu hút trên 1,8 triệu lượt khách, trong đó có hơn 48 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu đạt trên 886 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2017, cơ sở lưu trú tăng lên 162, thu hút trên 1 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 545 tỷ đồng; tạo việc làm cho hơn 2.300 lao động địa phương.
Nằm ở độ cao 1.050m so với mặt nước biển, khí hậu ôn hòa mát mẻ, Mộc Châu là điểm du lịch sinh thái lý tưởng. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm, thưởng ngoạn đồi chè trái tim, đồi chè vân tay, hội thi hái chè, ngày hội hái quả, hội thi “Hoa hậu bò sữa”, thăm các bản du lịch cộng đồng, nhà nghỉ container, leo núi khám phá “Ngũ động bản Ôn”, dịch vụ nhà hàng đặc sản cá hồi trên núi tiểu khu Vườn Đào; thăm di tích cách mạng động Mộc Hương, bia Tây Tiến, thác Dải Yếm, hồ rừng thông bản Áng gắn với lễ hội Hết Chá, Công ty hoa Cao Nguyên, Khu du lịch Happy land, cửa khẩu quốc tế Lóng Sập; chinh phục đỉnh Pha Luông hùng vĩ...
Điểm nhấn sau 2 năm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tại đây, hiện có hơn 105 cơ sở lưu trú được đầu tư xây dựng, trong đó có 5 khách sạn, 25 nhà sàn homestay, 75 nhà nghỉ với tổng số gần 1.300 phòng, hơn 2.000 giường... cơ bản đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của du khách. Năm 2016, khu du lịch quốc gia Mộc Châu đón gần 1,1 triệu lượt khách; 6 tháng đầu năm 2017 đón gần 600 nghìn lượt khách. Các khách sạn lớn như: Mường Thanh Mộc Châu, Sao Xanh, Công Đoàn, Thảo Nguyên Resort... đã chủ động triển khai dịch vụ khép kín cả ăn uống, nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch ở Sơn La còn có những điểm nhấn là vùng hồ thủy điện Sơn La và Hòa Bình, với chiều dài hơn 200 km, hệ thống chợ phiên tấp nập, cảnh vật “sơn thủy hữu tình” được ví như “Hạ Long trên núi”. Công ty cổ phần Cơ khí Sơn La - một trong những đơn vị tiên phong lĩnh vực du lịch đã xây dựng nhiều bến thuyền, cầu cảng; tôn tạo nhiều đảo nhỏ gắn với trồng cây ăn quả trên đất dốc; đầu tư đóng mới nhiều tàu du lịch đưa đón du khách tham quan Nhà máy thủy điện Sơn La, trải nghiệm lòng hồ. Đồng bào các dân tộc sống dọc khu vực lòng hồ thủy điện còn duy trì các lễ hội truyền thống: đua thuyền, gội đầu, mừng cơm mới gắn với du lịch sinh thái, trở thành điểm nhấn thu hút du khách thập phương.
Trong lộ trình những năm tiếp theo, tỉnh Sơn La tiếp tục tăng cường đẩy mạnh thu hút đầu tư, quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch Sơn La, phấn đấu đến năm 2020, đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, có sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trở thành điểm đến hấp dẫn, góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, tạo việc làm, giảm nghèo nhanh và bền vững. Theo đó, tỉnh Sơn La phấn đấu tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân đạt 20%/năm. Khách du lịch đến Sơn La đạt trên 2 triệu lượt khách mới (khách quốc tế 97 nghìn người); tổng thu từ du lịch đạt 1.900 tỷ đồng; GDP du lịch chiếm 2,38% GDP toàn tỉnh; tạo việc làm từ lĩnh vực phát triển du lịch cho 18.500 người.../.
Cập nhật: 07/07/2017