Để du lịch Vĩnh Phúc phát triển xứng tầm
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên tại Vĩnh Phúc
Giàu tiềm năng, nghèo dấu ấn
Được phát hiện và xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20, từ lâu, Tam Đảo được coi là điểm nhấn trong chiến lược từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Vĩnh Phúc.
Cho dù đã có nhiều khách sạn hơn, nhiều nhà hàng hơn, khách đến cũng đông hơn, nhưng cẩm nang du lịch Tam Đảo vẫn không thay đổi trong nhiều năm qua. Ngoài tận hưởng không khí mát mẻ, tham quan nhà thờ đá, vòng xuống thác Bạc, nếu ai có đủ sức khỏe có thể leo lên tháp truyền hình. Một buổi sáng là đủ thời gian để ngắm nhìn, chụp ảnh lưu niệm và trở về; nếu có điều kiện để quay trở lại, chắc chắn sẽ vẫn là không gian ấy, địa điểm ấy.
Trưởng phòng nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc Đỗ Hoàng Dương cho biết: Sản phẩm du lịch của Vĩnh Phúc hiện chưa phong phú, chưa tạo được sự đa dạng cho du khách. Đến nay, đi xúc tiến quảng bá, du lịch Vĩnh Phúc vẫn chỉ có sản phẩm thô (danh lam thắng cảnh, di tích sẵn có) để mời chào du khách, doanh nghiệp. Do đó, mục tiêu của tỉnh cần đặt ra là sẽ nỗ lực cải thiện những điểm nghẽn và tránh phụ thuộc nhiều vào lợi thế tài nguyên.
Tiềm năng của Tam Đảo đã rất rõ, điều này đã được tổng kết rất rõ trong các nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, hiệu quả kinh tế và tỉnh Vĩnh Phúc cũng không phải chưa nhìn nhận ra giá trị của Tam Đảo trong bức tranh tổng thể du lịch. Điều này còn được cụ thể hóa trong nghị quyết đại hội của tỉnh, của huyện đã kéo dài suốt cả hai nhiệm kỳ với mong muốn đưa du lịch và Tam Đảo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng vẫn chưa thành hiện thực.
Tuy nhiên việc triển khai trên thực tế lại còn nhiều vấn đề rất đáng bàn. Chẳng hạn, dự án Trung tâm lễ hội Tây Thiên tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo có tổng mức đầu tư được duyệt hơn 100 tỷ đồng với quy mô khoảng 20,9 ha. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh có vai trò quan trọng phục vụ phát triển du lịch, tuy nhiên, đến nay, sau gần 10 năm triển khai, dự án vẫn chưa thể hoàn thành do huyện Tam Đảo chưa giải phóng được mặt bằng. Sự thiếu quyết liệt của các cấp chính quyền không chỉ kéo dài thời gian, làm giảm niềm tin của doanh nghiệp mà còn để lại một hình ảnh không đẹp trong mắt của du khách với công trình bề bộn, thiếu hoàn chỉnh.
Theo báo cáo của ngành du lịch năm 2017, lượng khách tới tỉnh Vĩnh Phúc đạt hơn 4,4 triệu lượt người, tăng 15% so năm trước. Trong đó, có 33.500 lượt khách quốc tế và hơn 4,3 triệu lượt khách trong nước; doanh thu từ du lịch đạt 1.470 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đứng thứ 14 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tuy nhiên doanh thu chỉ đạt 8% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nguyên nhân chính là do Vĩnh Phúc có lượng khách quốc tế không cao, số ngày lưu trú bình quân của khách chỉ khoảng 0,5 đến 2 ngày.
Ngoài ra, việc không có sản phẩm du lịch đặc trưng, quà lưu niệm riêng biệt không chỉ mất đi nguồn thu mà còn bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc đến với du khách trong và ngoài nước. Hiện, những sản phẩm truyền thống, thế mạnh của Vĩnh Phúc là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao (sân golf), du lịch tâm linh, du lịch lễ hội… đã trở nên quen thuộc, đơn điệu, tính cạnh tranh chưa cao. Cũng theo thống kê của ngành du lịch, khách du lịch đến Vĩnh Phúc có mức chi dùng rất thấp, các sản phẩm lưu niệm chỉ đáp ứng được 5 đến 10% sức mua của khách du lịch.
Cần bước đột phá mới
Đặt trong lợi thế so sánh, có thể thấy Vĩnh Phúc đang có điều kiện thuận lợi vượt trội khi gần thị trường du lịch lớn nhất nhì trong cả nước đó là Thủ đô Hà Nội với dân số gần 10 triệu người, thời gian di chuyển giữa hai địa phương không quá một giờ. Bên cạnh những tài nguyên du lịch tự nhiên, Vĩnh Phúc còn là một vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa.
Cách TP Vĩnh Yên không xa, khu du lịch Tây Thiên được đánh giá là một trong những điểm tâm linh nổi tiếng nhất nhì khu vực phía bắc Việt Nam. Thế nhưng nếu vài năm trước, nhắc đến chuyện đi Tây Thiên, hẳn nhiều người sẽ phải ái ngại bởi nơi đây không chỉ vất vả trong việc đi lại, mà còn là điểm đến phát triển không có quy hoạch, hàng quán lộn xộn, không có không gian cho du khách. Tây Thiên giờ như đang đảo chiều, với những điểm cộng tích cực, không gian văn hóa được trùng tu, quy hoạch, đi lại đã dễ dàng nhờ có hệ thống cáp treo của Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng và một quần thể du lịch tâm linh với nhiều tiện ích cho du khách, góp phần mang đến diện mạo mới cho địa danh này.
Thực tiễn tại các điểm du lịch như: Flamingo Đại Lải, Lạc Hồng ở Tây Thiên... là minh chứng sống động cho thành công của tỉnh Vĩnh Phúc trong việc tạo ra môi trường hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư lớn trong nước, góp phần giải quyết việc làm và tạo động lực cho nền kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang cho rằng, định hướng phát triển kinh tế của Vĩnh Phúc đã bước sang giai đoạn mới, sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chủ đạo là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp sạch phục vụ du lịch. Với du lịch, sẽ tập trung lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính. Chủ trương của tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay là đẩy mạnh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược xây dựng mới các khu dịch vụ phức hợp, dự án du lịch quy mô nhằm tạo sức lan tỏa./.
Nguồn: nhandan.com.vn