khách sạn ở đông anh
Đặt phòng nhanh
Thông Tin Liên Hệ

Điện thoại liên hệ: 043.951.5439

Hotline đặt phòng: 088.8183032

04.6660.5552

Email: kimcuonghotel.vn@gmail.com

info@kimcuonghotel.vn

sales@kimcuonghotel.vn

Lượt truy cập
  • 40
  • 2683
  • 4,406,555

Đặc sắc lễ hội truyền thống ở Ba Chẽ

  10/12/2019
Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Chẽ đang duy trì 4 lễ hội thì có đến 3 lễ hội dân gian truyền thống. Đó là: Lễ hội đình làng Dạ, Lễ hội Lồng tồng và Lễ hội miếu Ông - miếu Bà. Lễ hội truyền thống ở Ba Chẽ không chỉ góp phần bảo tồn di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc mà còn tạo ra lực đẩy phát triển du lịch tại địa phương.


Người dân và du khách trẩy hội đình làng Dạ.

Cả ba lễ hội này đều được tổ chức vào mùa xuân. Theo đó, trong thời gian từ ngày mùng 9 tháng Giêng đến mùng 1/3 âm lịch huyện Ba Chẽ tổ chức 3 lễ hội: Lễ hội đình làng Dạ, xã Thanh Lâm; Lễ hội lồng tồng, xã Đạp Thanh và Lễ hội miếu Ông - miếu Bà, xã Nam Sơn. Tại các lễ hội ngoài phần lễ trang nghiêm theo đúng nghi thức truyền thống còn có phần hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian sôi nổi, hấp dẫn.

Một trong những lễ hội đặc sắc có từ lâu đời là lễ hội đình làng Dạ. Truyền thuyết dân gian địa phương kể rằng, xưa kia vùng đất làng Dạ hoang sơ, chưa có người ở, nằm giữa một thung lũng xung quanh có nhiều khe suối bao bọc, đất đai được phù sa bồi đắp nên rất màu mỡ. Vì thế rừng làng Dạ bạt ngàn vầu tre, có nhiều cây cổ thụ, chim thú bầy đàn. Vào một năm nọ, có đôi vợ chồng trẻ, chồng họ Vi, vợ họ Hoàng đến đây sinh sống, xắn đất đắp bờ khai hoang làm ruộng, khơi suối về cấy lúa. Rồi họ trồng bông dệt vải, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc gia cầm.

Năm tháng qua đi, do chăm chỉ làm lụng nên đời sống của đôi vợ chồng trẻ ngày càng khấm khá. Thấy thế, nhiều gia đình ở Hoành Bồ, Đình Lập cũng chuyển đến cùng làm ăn sinh sống, ngày càng đông đúc. Lâu dần, họ làm được thêm nhiều nhà cửa chung sống quây quần thành bản làng, con cháu đông vui, cuộc sống êm đềm hòa thuận. Họ đặt tên bản mới là làng Dạ theo tiếng Tày có nghĩa là làng ven suối. Đến khi già yếu, đôi vợ chồng kia vẫn bảo ban con cháu đoàn kết chăm chỉ làm ăn khai khẩn đất hoang mở mang ruộng vườn nhà cửa. Khi vợ chồng họ mất đi dân làng cảm tạ công đức của 2 người mới tôn họ làm thành hoàng làng và lập đình để thờ tự. Hàng năm họ mở hội tế lễ thành hoàng làng và lập đàn cúng thần nông để cầu mùa. Lễ hội đình làng Dạ được tổ chức vào mùng 9, mùng 10 tháng Giêng.

Bên cạnh lễ hội đình làng Dạ, lễ hội Lồng tồng cũng mang đậm nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ của huyện Ba Chẽ. Lễ hội Lồng tồng cũng thường gọi là Lễ hội xuống đồng. Được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.  Vẫn chưa có tài liệu nào nghiên cứu, khẳng định lễ hội này có từ bao giờ. Lễ hội được tổ chức tại xã Đạp Thanh vào các ngày 23, 24 tháng Giêng. Ngoài phần lễ, còn có các hoạt động thi đấu các môn thể thao dân tộc như: Kéo co, đẩy gậy, các trò chơi dân gian; liên hoan văn nghệ do các hạt nhân văn nghệ của Đạp Thanh và các xã bạn tham gia biểu diễn. Điểm nhấn của lễ hội Lồng tồng chính là các hoạt động thi cày, thi cấy được những tay cày giỏi nhất, những con trâu khỏe nhất và các tay cấy nhanh, thẳng hàng được tuyển chọn từ các thôn về dự thi khẳng định quyết tâm của bà con nhân dân “cày sâu tốt lúa, cấy nhanh thẳng hàng, mùa màng bội thu”.

Lễ hội miếu Ông – miếu Bà diễn ra muộn nhất vào ngày 1/3 âm lịch tại xã Nam Sơn. Phần lễ có lễ rước nước, lễ rước bài vị Tả tướng quân Lê Bá Đức, người được tôn thờ tại miếu Ông, lễ mộc dục (lễ tắm tượng), lễ dâng hương của nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ và du khách thập phương. Phần hội có các chương trình văn nghệ của các hạt nhân văn nghệ biểu diễn; các môn thi chèo thuyền, thi gói bánh, thi đẩy gậy và các trò chơi dân gian.

Nhìn chung, lễ hội truyền thống ở Ba Chẽ gắn bó chặt chẽ với không gian di tích lịch sử văn hóa, giúp ích cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Năm 2003, di tích đình làng Dạ được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Di tích đình làng Dạ tại thôn Làng Dạ, xã Thanh Lâm được UBND tỉnh công nhận tại Quyết định số 3706/QĐ-UB ngày 16/10/2003. Di tích được đầu tư tôn tạo năm 2009, hoàn thành sử dụng năm 2011 với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng với tổng diện tích 2.469,95m 2 , trong đó diện tích nhà chính 227,65m 2. Hiện nay, di tích hoạt động tốt, đã thành lập ban quản lý và phân công cụ thể thành viên ban quản lý di tích; hàng năm huyện chỉ đạo xã Thanh Lâm tổ chức lễ hội, trong 10 năm qua đã thu hút hơn 20 nghìn lượt nhân dân và du khách đến tham quan.

Thứ hai là di tích lịch sử miếu Ông -miếu Bà tại thôn Làng Mới, xã Nam Sơn được UBND tỉnh công nhận tại Quyết định số 2072/QĐ-UBND ngày 20/8/2012. Ngày 20/3/2015 UBND tỉnh ban hành quyết định số 744/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Miếu Ông - Miếu Bà, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Quy hoạch di tích đã thực hiện theo Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ và Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Hiện nay, di tích hoạt động tốt, đã thành lập ban quản lý và phân công cụ thể thành viên ban quản lý di tích; hàng năm huyện chỉ đạo xã Nam Sơn tổ chức lễ hội, thu hút hơn 2.000 lượt nhân dân đến tham quan.

Lễ hội dân gian tạo ra không gian để đưa các nội dung bảo tồn bản sắc văn hóa dân gian vào trình diễn, tạo nên bức tranh văn hóa các dân tộc huyện miền núi Ba Chẽ phong phú, đa dạng góp phần thu hút du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Tin tức mới Xem tất cả