Hà Giang đặc biệt chú trọng phát triển du lịch bền vững
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn khẳng định, Hà Giang rất muốn quảng bá hình ảnh và tiềm năng du lịch sâu rộng nhưng đặc biệt chú trọng phát triển bền vững.
Sông Nho Quế xanh biếc nhìn từ đèo Mã Pí Lèng. Ảnh: Trọng Đỗ
Ngày 1/2/2018, tại Hà Nội, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị “Giới thiệu Hà Giang” nhằm quảng bá hình ảnh và tiềm năng của Hà Giang tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi những hội nghị giới thiệu địa phương do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng các địa phương tổ chức. Sự kiện nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, qua đó thu hút nguồn lực từ bên ngoài đầu tư vào các địa phương, nhất là những nơi vùng sâu vùng xa, giúp nâng cao cơ sở vật chất, đời sống của người dân đặc biệt là phát triển du lịch còn nhiều tiềm năng của tỉnh Hà Giang.
Hà Giang có khí hậu trong lành, môi trường không bị ô nhiễm, là nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ còn giữ được vẻ hoang sơ và các phẩm vật của địa phương tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường. Là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, Hà Giang có những đặc trưng văn hóa riêng mang đậm nét văn hóa của vùng miền và của từng dân tộc với nhiều lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng, tôn giáo, khảo cổ…
Với đầy đủ lợi ích về tài nguyên sinh thái tự nhiên và nhân văn, Hà Giang có khả năng phát triển tất cả các loại hình du lịch, từ tham quan, khám phá, trải nghiệm, sinh thái... đến nghiên cứu, hoạt động khoa học, giáo dục...
Bền lề Hội nghị, VTV News đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang về lợi thế, tiềm năng, phương hướng phát triển du lịch của Hà Giang trong thời gian tới.
Thưa ông, Hà Giang có nhiều địa danh, đẩy đủ lợi thế để thu hút khách du lịch cả trong nước và quốc tế nhưng vì sao Hà Giang vẫn chưa trở thành điểm sáng du lịch, hay một trong những nơi "nhất định phải đến một lần trong đời" của du khách như Sa Pa hay Hạ Long?
Hà Giang là một trong những tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, là tỉnh còn nhiều khó khăn. Năm 2009 và 2010, Hà Giang tiến hành xây dựng Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn để UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Trên cơ sở đó, Đảng bộ và chính quyền Hà Giang muốn biến khó khăn thành cơ hội phát triển.
Từ đó đến nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc của tỉnh Hà Giang muốn xây dựng thương hiệu du lịch trọng điểm của quốc gia, trong đó, tỉnh Hà Giang tiến hành quy hoạch phát triển Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn để trở thành trọng điểm du lịch quốc gia và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ở Quyết định số 310.
Dù tiềm năng để phát triển của Hà Giang còn rất lớn song quan điểm phải dựa trên cơ sở gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cũng như địa mạo, sự hùng vĩ thiên nhiên ban tặng cho Hà Giang. Thay vì phát triển nóng, chúng tôi ưu tiên phát triển bền vững. Đặc biệt, trong quá trình phát triển và xây dựng, chúng tôi luôn nghĩ đến mục tiêu lâu dài, thu hút khách chất lượng cao, không chạy theo số lượng.
Trên thực tế, năm 2012, lượng du khách đến Hà Giang là khoảng 100.000 khách nhưng tới năm 2017 đã lên tới 1 triệu khách. Nhưng như tôi đã nói, quan điểm của chúng tôi, đó là xây dựng du lịch là trọng điểm nhưng phải bền vững, gắn với đó là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cũng như bảo vệ giá trị văn hóa của 19 dân tộc nơi đây.
Do vậy, trong quá trình thực hiện, chúng tôi tuân thủ theo các quy định để từng bước khai thác giá trị, không nóng vội. Du lịch Hà Giang tuy đi sau nhưng phải đón đầu, tránh những hệ lụy của những địa danh du lịch đã phát triển, tránh việc khách đến một lần và không quay lại. Phương châm là du khách đến lưu trú dài ngày, đến nhiều lần, chi tiêu nhiều hơn. Và chính du khách sẽ là người giới thiệu, quảng bá du lịch Hà Giang tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Chúng tôi đã mời gọi tập đoàn lớn tư vấn cho Hà Giang trong phát triển bền vững, khai thác tiềm năng của du lịch Hà Giang. Chúng tôi cũng mời các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu phản biện lại quy hoạch để có định hướng phát triển từ nay đến 2020, 2025, 2030 và xa hơn nữa.
Theo ông, những yếu tố phát triển du lịch, quảng bá thương hiệu của Hà Giang đã được chú trọng đúng mức chưa, cụ thể như các sản phẩm dịch vụ, du lịch văn hóa, thắng cảnh hay đường sá?
Trong điều kiện phát triển thận trọng, có bước đi thích hợp, quan điểm chỉ đạo của tỉnh Hà Giang trên cơ sở tham khảo, chỉ đạo ý kiến từ các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để chúng tôi xác định phải triển du lịch là trọng điểm, là mũi nhọn trong trụ cột tam giác của tỉnh: phát triển kinh tế cửa khẩu, phát triển du lịch dịch vụ và phát triển cây dược liệu.
Theo đó, do điều kiện địa chất, thổ nhưỡng, ngoài du lịch, Hà Giang còn phát triển trọng điểm giống dược liệu để cung cấp cho toàn vùng. Theo đó, nhắc tới Hà Giang sẽ là nhắc tới du lịch và dược liệu.
Cùng với đó, chúng tôi nâng cao giá trị sản phẩm đặc hữu của địa phương. Trên cơ sở định hướng và quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quá trình tổ chức triển khai thực hiện luôn tuân thủ theo đúng quy hoạch để không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên ban tặng.
Để phát triển du lịch bền vững, tạo kế sinh nhai, chúng ta cần xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông để rút ngắn thời gian di chuyển từ Nội Bài đến Hà Giang từ 5 tiếng xuống còn 3 tiếng. Đồng thời, thời gian di chuyển đến Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn cũng phải được rút ngắn, đồng thời liên kết với phía Tây của tỉnh Hà Giang kể cả với các tỉnh như Lào Cai, Cao Bằng.
Trong chuyến thăm làm việc, dự Hội nghị xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ tỉnh Hà Giang, chúng tôi xác định để Hà Giang phát triển bền vững, vấn đề giao thông phát triển, các lĩnh vực kinh tế, xã hội và đặc biệt du lịch vấn đề phát triển đa ngành chúng tôi sẽ kết nối được với cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến với Hà Giang. Nội dung này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc và giao các Bộ ngành, các đơn vị cũng như tỉnh Hà Giang thực hiện./.
Nguồn: VTV.vn