khách sạn ở đông anh
Đặt phòng nhanh
Thông Tin Liên Hệ

Điện thoại liên hệ: 043.951.5439

Hotline đặt phòng: 088.8183032

04.6660.5552

Email: kimcuonghotel.vn@gmail.com

info@kimcuonghotel.vn

sales@kimcuonghotel.vn

Lượt truy cập
  • 40
  • 2224
  • 4,406,096

Hoàng Su Phì giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc

  20/03/2020
Là huyện miền núi, biên giới với 12 dân tộc cùng sinh sống; huyện Hoàng Su Phì có một kho tàng văn hóa truyền thống vô cùng phong phú và độc đáo. Những năm qua, huyện luôn chú trọng bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức nhằm gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn; đồng thời, phục vụ cho phát triển du lịch và giúp nâng cao đời sống cho người dân.


Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao, xã Hồ Thầu.

Là vùng đất đa sắc màu dân tộc, đông nhất là dân tộc Nùng, chiếm hơn 34%; tiếp đó là dân tộc Dao 22%, Mông 13% và các dân tộc khác. Mỗi dân tộc đều có những bản sắc riêng trong đời sống sinh hoạt thường ngày, đặc biệt là trong các lễ hội văn hóa truyền thống. Nếu người Nùng có Lễ Cúng rừng, người Dao có Lễ Cấp sắc, Lễ hội Bàn Vương; thì người La Chí có Tết Khu cù tê, người Mông có Lễ hội Gầu Tào, người Cờ Lao có Lễ cúng Hoàng Vần Thùng… Tất cả tạo nên một kho tàng văn hóa độc đáo và đặc biệt có sức hút với du khách gần,  xa.

Bắt nhịp với xu hướng phát triển, huyện Hoàng Su Phì đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo tiền đề đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với khôi phục những lễ hội truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một; đồng thời tổ chức các lễ hội thường niên tại cộng đồng dân cư.

Đặc biệt, huyện luôn chú trọng xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng nhằm thực hiện chủ trương gắn kết giữa phát triển du lịch với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc. Đến nay, huyện đã xây dựng được 7 làng văn hóa du lịch, gìn giữ được gần như nguyên bản những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, như: Làng Văn hóa thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên; Làng Văn hóa thôn Nậm Ai, xã Nam Sơn; Làng Văn hóa thôn Tân Phong, xã Hồ Thầu; Làng Văn hóa thôn Suối Thầu 2, xã Bản Luốc… Cùng với đó, huyện đã thành lập được 140 đội văn nghệ của các thôn, bản hoạt động thường xuyên; trong đó, nòng cốt là hội viên của hội nghệ nhân dân gian các xã, thị trấn với nhiều hoạt động, như: Truyền dạy các làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống cho thế hệ trẻ; biểu diễn phục vụ khách du lịch…

Huyện chỉ đạo các trường học đẩy mạnh đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy cùng những làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống, như: Múa ngựa giấy, hát Sli của dân tộc Nùng; múa gậy đồng xu, múa khèn của dân tộc Mông; đàn Tính, hát Then của dân tộc Tày; các nghề đan lát, thêu thủ công và các trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống,... đã được các nhà trường thực hiện thường xuyên theo hình thức tích hợp qua các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân; tổ chức trong chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều hình thức đa dạng, như: Sân khấu hóa, tham quan, tìm hiểu thực tế tại các thôn, điểm du lịch, di tích lịch sử. Qua đó, góp phần hun đúc tình yêu với văn hóa truyền thống trong mỗi học sinh.

Cùng với đó, huyện cũng đặc biệt chú trọng phát triển nghề truyền thống của các dân tộc bằng việc khuyến khích nghệ nhân truyền dạy cho con, cháu các nghề: Đan lát thủ công, chạm bạc, đúc lưỡi cày, thêu dệt thổ cẩm… Bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nghề truyền thống theo hình thức tổ hợp tác, HTX gắn với xây dựng Nông thôn mới và phát triển du lịch. Trong đó, nổi bật có thể kể đến sản phẩm thêu dệt hoa văn thổ cẩm của dân tộc Dao tại các xã Thông Nguyên, Nậm Ty; đan quẩy tấu của người Mông tại xã Thèn Chu Phìn,… đã từng bước hướng đến sản xuất hàng hóa, đem lại thu nhập cho các hộ gia đình. Một điểm nhấn trong phát triển nghề truyền thống của huyện vừa qua là nghề chạm bạc của người Nùng tại 2 xã Pờ Ly Ngài và Nàng Đôn đã được Bộ VH,TT&DL đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Góp phần khuyến khích nhân dân chú trọng gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của dân tộc.

Bằng nhiều cố gắng, nỗ lực; huyện Hoàng Su Phì đã, đang bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn; qua đó, góp phần thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế địa phương.

Nguồn: Báo Hà Giang

Tin tức mới Xem tất cả