khách sạn ở đông anh
Đặt phòng nhanh
Thông Tin Liên Hệ

Điện thoại liên hệ: 043.951.5439

Hotline đặt phòng: 088.8183032

04.6660.5552

Email: kimcuonghotel.vn@gmail.com

info@kimcuonghotel.vn

sales@kimcuonghotel.vn

Lượt truy cập
  • 3
  • 119
  • 4,395,126

Phát huy giá trị của bảo tàng trong phát triển du lịch văn hóa

  27/11/2019
(TITC) - Việt Nam có hệ thống bảo tàng khá đa dạng chia theo nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, phân bố trên tất cả các tỉnh, thành phố. Bảo tàng là nơi sưu tầm, bảo quản và trưng bày các sưu tập hiện vật; phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; được tổ chức hoạt động phát huy giá trị di sản văn hoá phục vụ xã hội và phục vụ khách tham quan.


Bảo tàng Quảng Ninh (Ảnh: TITC)

Việc phát huy được các giá trị của bảo tàng để phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu của khách du lịch và người dân đang là chủ đề được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và xã hội quan tâm.

Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch văn hóa được đặt mục tiêu phát triển trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Theo đó, nhiệm vụ và giải pháp đặt ra với phát triển du lịch văn hóa có gắn với các bảo tàng.

Du lịch bảo tàng được xem như con đường ngắn nhất trong việc tìm hiểu văn hóa, lịch sử của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Bảo tàng ở mỗi quốc gia không chỉ giúp lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc, nét tinh túy của nhân loại, mà còn tạo ra những giá trị vật chất cho nền kinh tế. Báo cáo của IBIS World về ngành công nghiệp bảo tàng ở Mỹ cho thấy, doanh thu từ bảo tàng năm 2019 ước đạt khoảng 13 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2019 là 3,4%. Số lao động làm việc trong ngành khoảng 109.000 người và có trên 10.000 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này.

Tại Việt Nam, một số bảo tàng đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, và từng được một số trang web nổi tiếng của thế giới xếp vào danh sách bảo tàng hấp dẫn nhất của khu vực châu Á. Tuy nhiên, hoạt động bảo tàng nói chung ở Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: Nội dung trưng bày chưa thực sự được quan tâm, chú ý đầu tư; nhiều sưu tập hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học vẫn chưa được khai thác, phát huy để đến được với đông đảo công chúng; rất nhiều bảo tàng còn vắng khách tham quan… Hiển nhiên là hiệu quả nguồn thu được từ các bảo tàng còn rất nhỏ bé trong nền kinh tế.

Thu hút khách tham quan

Theo khảo sát sơ bộ của Trung tâm Thông tin du lịch (TCDL) năm 2018, thu thập được từ 51 tỉnh, thành, tập hợp được thông tin của 51 bảo tàng (chiếm khoảng gần 1/3 tổng số bảo tàng trên toàn quốc, theo thống kê của Bộ VHTTDL tháng 2/2018).

Số lượng khách đến cũng như mức thu từ phí (vé) tham quan chênh lệch rất nhiều giữa các bảo tàng ở nước ta.


Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Ảnh: TITC)

Năm 2018, trong số các bảo tàng được khảo sát, số bảo tàng có số khách đến tham quan từ trên 500.000 lượt chiếm 5,88%; trong đó số bảo tàng có trên 1 triệu lượt khách đến tham quan: có 1 bảo tàng, chiếm 1,96%. Bình quân một bảo tàng đón 122,4 nghìn lượt khách tham quan trong năm. Tổng số khách đến tham quan 51 bảo tàng này: năm 2016: 5,86 triệu lượt khách; Năm 2017: 6,35 triệu lượt khách (+8,5%); Năm 2018: ước tính 6,24 triệu lượt khách (-1,8%). Tổng lượng khách năm 2018 chưa bằng số khách đến tham quan bảo tàng Metropolitan tại New York, Mỹ (7,4 triệu lượt khách) hay chỉ bằng khoảng 61,2% số khách đến bảo tàng Louvre, Pháp (với 10,2 triệu lượt). Ngoài ra, bảo tàng Vương quốc Anh thu hút khoảng 5,9 triệu lượt khách, một số bảo tàng khác như Hermitage (Nga), Prado (Tây Ban Nha) có khoảng 3 triệu lượt khách.

Tuy thống kê chưa đầy đủ, nhưng những con số trên cho thấy về số lượt khách đến tham quan các bảo tàng ở Việt Nam quá nhỏ bé so với nhiều bảo tàng trên thế giới và so với lượng khách quốc tế và khách du lịch nội địa hàng năm ở nước ta (Năm 2018: Việt Nam đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, 80 triệu lượt khách du lịch nội địa).

Việc thu phí (vé) tham quan

Số lượng khách chưa nhiều cùng với mức vé không cao, nên kết quả thu từ phí (vé) tham quan của các bảo tàng ở Việt Nam nhìn chung còn rất thấp. Trong số bảo tàng thu thập được thông tin, gần 51% bảo tàng có thu phí (vé) tham quan, số còn lại miễn phí cho khách tham quan.

Số bảo tàng có thu từ phí (vé) tham quan đạt từ trên 3 tỷ đồng năm 2018 chiếm 26,9% trong số các bảo tàng có thu phí. Tính bình quân mức thu của một bảo tàng trong số các bảo tàng có thu phí (vé) ước tính năm 2016 là 2,32 tỷ đồng, năm 2017 là 2,68 tỷ đồng, năm 2018 là 4,19 tỷ đồng (mức tăng của 2018 chủ yếu lại do việc điều chỉnh mức vé tham quan).

Mức vé tham quan các bảo tàng ở nước ta đối với các bảo tàng công lập thường ở mức 40.000 đồng/người lớn, ngoài ra có mức giảm 50% hoặc miễn vé với một số đối tượng khách. Một số bảo tàng ngoài công lập có mức vé cao hơn như Bảo tàng Sáp (Bà Nà Hill) khoảng 100.000đ, hay Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh) khoảng 120.000đ... Mức vé này so với nhiều bảo tàng trên thế giới là khá thấp. Biết rằng mức vé phụ thuộc vào quy mô và giá trị của các hiện vật được trưng bày, nhưng ví dụ một số bảo tàng ở Bangkok, mức vé là trên 150.000đ đến trên 600.000đ; bảo tàng ở Ma-lai-xia (khoảng từ 140.000đ), ở Singapore (khoảng từ trên 200.000đ đến trên 300.000đ); bảo tàng nổi tiếng ở Nga như Bảo tàng Vũ khí Kremlin có vé khoảng 500.000đ, bảo tàng Hermitage (khoảng 245.000đ); bảo tàng Louvre có vé 17 euro (khoảng 450.000đ).

Qua khảo sát cho thấy, những bảo tàng có thu phí vẫn là nơi thu hút khách đến nhiều hơn so với nhiều bảo tàng dù miễn phí nhưng cũng không có khách đến tham quan.


Bảo tàng Hà Nội (Ảnh: TITC)

Hướng dẫn viên

Hướng dẫn viên đóng vai trò khá quan trọng. Đây là lực lượng để hỗ trợ và giúp du khách hiểu hơn về bảo tàng cùng với giá trị của các hiện vật trưng bày, có khả năng tăng thêm tính hấp dẫn cho bảo tàng.

Nhưng cũng qua khảo sát năm 2018 cho thấy số hướng dẫn viên tại điểm ở các bảo tàng Việt Nam khá mỏng. Bình quân ở một bảo tàng có thu phí, chỉ có gần 6 hướng dẫn viên tại điểm/thuyết minh viên. Nếu tính hệ số bình quân hướng dẫn viên trên 10.000 khách, hệ số này chỉ đạt 0,29.

Các hoạt động giữa ngành bảo tàng và Du lịch và yêu cầu đổi mới với bảo tàng

Nhận thấy rõ tiềm năng từ việc phát huy giá trị của các bảo tàng trong việc xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ khách, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có định hướng và chỉ đạo việc gắn kết để phát triển giữa hai ngành. Thời gian gần đây, giữa ngành Bảo tàng và Du lịch đã có những hoạt động cụ thể nhằm kết nối sản phẩm phục vụ và thu hút khách du lịch, như: tổ chức thử nghiệm tour du lịch chuyên đề kết nối sản phẩm của bảo tàng, nhà hát với du lịch; tour chuyên đề “Lịch sử Việt Nam – Khám phá từ lòng đất” và “Lịch sử Việt Nam – Bình minh trên các dòng sông”, “Mỹ thuật Việt Nam – Kho báu trong lòng Hà Nội” và “Làng quê Việt Nam – Một góc nhìn”; lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hướng dẫn viên tại điểm; Hội thảo "Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch",...

Tháng 12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch” tại Quyết định số 4788/QÐ-BVHTTDL, trong đó chỉ đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm đối với khối các bảo tàng công lập.

Các hoạt động gắn kết giữa ngành Du lịch và Bảo tàng đã được triển khai, bước đầu gây chú ý và sự quan tâm đối với những người làm du lịch, nhà quản lý bảo tàng, các đơn vị truyền thông, nhưng thực tế số khách đến với các bảo tàng dường như vẫn chưa được cải thiện đáng kể trong năm qua.

Thực tế thời gian qua, một số bảo tàng có đổi mới cả nội dung, hình thức, thiết kế kiến trúc và đã có thành công nhất định khi lượng khách đến tăng rõ rệt, như Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam,…


Bảo tàng phụ nữ Việt Nam (Ảnh: Internet)

Một vài ý kiến

Với thực trạng đón khách như hiện nay, nhiều bảo tàng ở nước ta chưa thực sự phát huy được các giá trị và chưa được lựa chọn là điểm đến đối với du khách. Trong việc phát triển du lịch văn hóa, rất cần có thêm các bảo tàng hấp dẫn, góp phần tăng thêm thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch.

Đề án của Bộ VHTTDL đã đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đồng thời phân công trách nhiệm cho các đơn vị liên quan để triển khai đề án. Mỗi bảo tàng, với những đặc thù riêng có, cần sớm có kế hoạch thực hiện cụ thể phù hợp với đơn vị. Các bảo tàng cần quan tâm:

- Đổi mới nội dung và hình thức trưng bày; đa dạng hóa hoạt động, quan tâm trưng bày/ tổ chức triển lãm chuyên đề, đề cao tính tương tác với công chúng.

- Xác định thị trường khách: Việc nâng cao chất lượng, hoạt động của bảo tàng để thu hút khách nghĩa là phải gắn với thị trường khách. Các bảo tàng cần xác định được đối tượng khách trước mắt và lâu dài để có giải pháp đầu tư phù hợp. Có những bảo tàng bước đầu nên tập trung thu hút khách là học sinh, sinh viên; tạo bước đệm hướng đến thu hút khách du lịch.

- Ứng dụng công nghệ thông tin vừa tăng tính hấp dẫn cho bảo tàng, hoạt động trải nghiệm cho du khách, vừa giúp giải quyết tình trạng thiếu hướng dẫn viên tại điểm, nhất là về vấn đề ngôn ngữ. Đối tượng khách đến bảo tàng đều mong muốn được hiểu biết thêm, có nhu cầu tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử, mỹ thuật,… Họ cần hàm lượng nội dung từ các bộ sưu tập, hiện vật. Các bảo tàng cần số hóa các câu chuyện gắn với các hiện vật, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ (thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, các ứng dụng (app), thuyết minh tự động…), có thể dễ dàng truyền tải bằng nhiều ngôn ngữ tới khách hàng phù hợp và tăng tính hấp dẫn, thú vị cho các hiện vật được trưng bày;

- Bảo tàng cần quan tâm đầu tư cho dịch vụ bổ trợ: cửa hàng lưu niệm, đầu tư thiết kế sáng tạo và sản xuất các sản phẩm lưu niệm gắn với nét đặc trưng của bảo tàng; khu ẩm thực, cà phê,…

- Công tác truyền thông phải được chú trọng hơn nữa; kết nối và chủ động cung cấp thông tin với cơ quan báo chí, câu lạc bộ nhà báo du lịch.

- Bảo tàng cần liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch trong việc quảng bá về giá trị của bảo tàng và thu hút du khách.

- Chủ động, tăng cường liên kết với các trường học, cơ sở đào tạo. Với những hiện vật và hình ảnh hiện hữu, bảo tàng chắc hẳn sẽ cung cấp những thông tin sống động, tạo hứng thú cho các học sinh, sinh viên;

- Xây dựng các hình tượng, biểu tượng đặc trưng, độc đáo, trở thành điểm “check-in” cho du khách, đặc biệt với giới trẻ.

- Qua thực tế cho thấy, mức vé không hẳn là yếu tố quyết định để chọn tham quan bảo tàng của du khách. Do đó việc thu phí (vé) tham quan đến bảo tàng ở mức độ hợp lý là rất cần thiết, nhằm tạo thêm nguồn thu để bổ sung đầu tư, sưu tầm, trưng bày và bảo tồn hiện vật có giá trị, làm tăng tính hấp dẫn của bảo tàng.

- Cần có thay đổi tư duy trong quản lý bảo tàng; đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm.

*

*   *

Du lịch văn hóa luôn là loại hình được nhiều du khách yêu thích. Trong đó, hệ thống bảo tàng, nơi lưu giữ những di sản văn hóa vô giá, đóng vai trò quan trọng. Nếu chúng ta biết trân trọng, đầu tư, khai thác, phát huy chúng một cách khoa học và đúng cách thì sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng, hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều khách tham quan. Và một phần rất quan trọng, qua đó, sẽ đem lại hiệu quả nhất định, đóng góp cho nền kinh tế nói chung, tạo nguồn cho việc duy tu, bảo tồn, sưu tập, trưng bày tại các bảo tàng.

Nguồn: TITC

Tin tức mới Xem tất cả