Hà Nội triển khai thực hiện đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”
Ảnh minh họa: Internet
Theo đó, các Sở, ban, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức quán triệt và thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Quyết định số 1685/QĐ-TTg; nghiên cứu lồng ghép phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 11/11/2016 của UBND Thành phố về việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.
Sở Du lịch chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1685 trên địa bàn Thành phố; tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao chất lượng, tạo điểm đến du lịch hấp dẫn, tiêu biểu của Thành phố giai đoạn 2018-2020; Đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá, triển khai chương trình hợp tác giai đoạn 2019 - 2023 giữa thành phố Hà Nội và Mạng tin tức truyền hình cáp CNN; Tăng cường quản lý nâng cao chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch, xây dựng điểm đến Hà Nội an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội rà soát danh mục các dự án xây dựng khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch, dự án phát triển sản phẩm du lịch đã được quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tập trung vào tiến độ thực hiện, khó khăn vướng mắc), chủ động đề xuất các biện pháp, giải pháp tổ chức triển khai thực hiện, báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết theo quy định. Tăng cường giám sát, đánh giá đầu tư các dự án theo quy định, xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ các dự án sau khi đã được UBND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Đồng thời, chủ trì lập danh mục các dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực khách sạn cao cấp đến năm 2020 (trong đó tập trung vào các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đông Anh, Ba Vì); Tham mưu lồng ghép nội dung vào Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố Hà Nội.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Du lịch, UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất bố trí quỹ đất tại các địa điểm phù hợp để lập danh mục dự án thu hút đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp trên địa bàn Thành phố đến năm 2020.
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá, chủ động giải quyết khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư và đề xuất giải pháp thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án xây dựng khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch, các dự án phát triển sản phẩm du lịch đã được UBND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị liên quan trên cơ sở thống kê diện tích đất quy hoạch và nhu cầu khách sạn cao cấp trên địa bàn Thành phố, nghiên cứu, đề xuất dự án giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để triển khai đầu tư dự án khách sạn.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại Du lịch Thành phố tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại liên quan hỗ trợ các ngành nghề nông thôn: Xây dựng Trang Thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ sở hữu thương hiệu; hội thi sản phẩm thủ công.
Sở NN&PTNT chủ trì thực hiện Chương trình Xây dựng Nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống; Chủ trì xây dựng, phát triến các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết kết hợp với phát triển du lịch, giáo dục trải nghiệm gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất và đầu tư trong phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của Thành phố.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Du lịch tham mưu Đề án hệ thống du lịch thông minh; hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng các thành phần cơ bản của hệ thống đảm bảo tính tiện ích, hấp dẫn du lịch; Tổ chức các điểm cung ứng dịch vụ wifi miễn phí tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn Thành phố, ưu tiên tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm; làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông và làng cổ ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND Thành phố bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định hiện hành.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác xúc tiến du lịch, phối hợp công tư hiệu quả, đặc biệt trong tổ chức và tham gia các sự kiện du lịch lớn ở nước ngoài để thu hút khách du lịch quốc tế từ các thị trường trọng điểm, các thị trường khách theo loại hình du lịch chuyên đề mà Hà Nội có thế mạnh. Chủ trì xây dựng và triển khai Đề án Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.
UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, đánh giá, khai thác tiềm năng du lịch; quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư phát triển tạo thành điểm đến thu hút khách du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Tăng cường tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố gắn với chỉnh trang môi trường xanh sạch đẹp; đảm bảo an ninh, an toàn, thuận tiện cho khách du lịch.