khách sạn ở đông anh
Đặt phòng nhanh
Thông Tin Liên Hệ

Điện thoại liên hệ: 043.951.5439

Hotline đặt phòng: 088.8183032

04.6660.5552

Email: kimcuonghotel.vn@gmail.com

info@kimcuonghotel.vn

sales@kimcuonghotel.vn

Lượt truy cập
  • 6
  • 326
  • 3,872,121

Chùa Mèo - thác Ma Hao: Tiềm năng du lịch của huyện Lang Chánh (Thanh Hóa)

  22/08/2018
Không phải ngẫu nhiên mà mỗi năm có tới hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh, trong đó có rất nhiều du khách nước ngoài đã đến thưởng ngoạn tại quần thể di tích thắng cảnh chùa Mèo, thác Ma Hao, thác Mây, bản Năng Cát của huyện Lang Chánh. Số lượng du khách về đây tăng nhanh khi quần thể di tích và thắng cảnh được đầu tư cơ sở hạ tầng, đường xá ngày một đẹp hơn, nhiều cơ sở lưu trú ra đời, các hoạt động văn hóa truyền thống ngày càng phong phú.

 

Chùa Mèo hay còn gọi là Đỉnh Miêu Thiền Tự - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh được xây dựng từ thế kỷ 13, tọa lạc tại làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến về phía đông của huyện Lang Chánh. Chùa được hình thành từ thời Trần, lúc bấy giờ chùa có tên là chùa Chu, do công chúa nhà Trần - Chu Huyền cùng với nhà Lang Mường Chếnh xây dựng. Chùa có địa thế khá chuẩn mực theo thuyết phong thủy: Có tả Thanh Long là dãy núi Pù Bằng, hữu Bạch Hổ là dãy núi Pù Rinh, trước mặt là dòng sông Âm chảy qua. Thế đất đẹp nên đã sinh ra ngôi chùa đẹp nức tiếng trong vùng “nhất Hương, nhì Hà, ba Chu” ý nói nhất chùa Hương, nhì chùa Hà, ba là chùa Chu, Lang Chánh. Tương truyền vào năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, một lần cùng nghĩa quân lánh nạn đi qua chùa Chu, thấy trong chùa chỉ còn lại một con mèo, ông đã sai nghĩa quân bắt theo con mèo cùng đi lánh nạn, gắn với tích xưa ngôi chùa này sau này đã được Lê Lợi cho tu sửa và đổi tên thành chùa Mèo. Để thêm phần linh thiêng trong việc thờ cúng, đông đảo bà con xứ Thanh đã cùng nhau tổ chức hưng công đúc quả chuông lớn  vào cuối năm Vĩnh Thịnh thứ 14 triều Lê, cách đây gần 300 năm, gác chuông chùa cao 15 m, chuông mịn như ngọc, tiếng vang như vàng, trên chuông còn ghi rõ nơi xây dựng chùa là Đỉnh Miêu, châu Lang Chánh. Hiện nay chùa Mèo đã được trùng tu tôn tạo, xây dựng hoàn chỉnh nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, nơi ăn nghỉ của sư trụ trì  và huyện Lang Chánh lấy ngày 6, 7 tháng giêng hàng năm làm ngày lễ hội truyền thống.

 

Gần với chùa Mèo, trên địa phận xã Trí Nang cách trung tâm huyện  chừng 18 km là thác Ma Hao -  thác lớn nhất của con sông Cảy. Thác bắt nguồn từ đỉnh Pù Rinh có độ cao gần 1.000 m so với mặt nước biển, có diện tích trên 178 ha bao gồm thác nước, suối và rừng. Các dòng suối nhỏ chảy dọc theo những cánh rừng già hợp thành dòng suối lớn đổ xuống tạo thành thác Ma Hao với dòng nước mát chảy suốt quanh năm.  Đến với thác Ma Hao, chúng ta được ngắm nhìn một vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và kỳ thú.  Đây là một con thác khá dài, nước chảy quanh năm tung bọt trắng xóa. Dưới chân thác là những khối đá lớn được bào mòn theo thời gian tạo nên nhiều hình thù kỳ thú, chỗ thì tạo hình tượng như là đàn voi đang quỳ xuống núi, nơi thì các hòn đá chồng xếp lên nhau thành hình trống mái, chỗ thì các hòn đá như những quả trứng khổng lồ đủ mọi kích thước, như hòn non bộ... Tất cả như vẽ thành một bức tranh đá tuyệt mỹ nằm dưới chân thác. Mùa hè tắm mình trên hồ nước chân thác trong xanh ngăn ngắt và mát lạnh thì thú vị vô cùng. Leo lên trên đỉnh thác nơi “cửa gió”, du khách sẽ được nghe đầy đủ những âm thanh của núi rừng, đó là tiếng ào ào thác nước, tiếng chim hót, tiếng rì rào của gió, tất cả hòa quyện vào nhau tạo thành một bản nhạc rừng. Năm 2007, thác Ma Hao được UBND tỉnh công nhận là danh lam thắng cảnh cấp tỉnh và sau đó đã quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao có diện tích 400 ha bao gồm Khu du lịch sinh thái Ma Hao, khu vực bản Năng Cát và các công trình phụ trợ, dịch vụ, thủy điện, vườn dược liệu... Cùng với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, thác Ma Hao còn gắn với cuộc khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh. Chuyện kể rằng, trong những ngày nghĩa quân Lam Sơn bị quân giặc bủa vây, truy sát ráo riết,  nghĩa quân đã phải rút về núi Chí Linh (hay gọi là Pù Rinh), nơi núi rừng trùng điệp, tầng tầng, lớp lớp, hiểm trở để ẩn náu và củng cố lực lượng, từ đỉnh núi này nghĩa quân có thể quan sát xung quanh để dễ bề đối phó với quân giặc, chính nhờ đỉnh núi này mà nghĩa quân Lam Sơn đã bảo toàn được  lực lượng. Một lần Lê Lợi cùng quân lính mang theo một con chó chạy từ đỉnh Pù Rinh xuống, người và vật đã kiệt sức thì gặp một thác cao chảy xiết. Quân giặc lại đuổi sát phía sau, nên Lê Lợi cùng quân lính đã mạo hiểm đầm mình vượt thác qua bờ bên kia, còn con chó do đã quá kiệt sức không thể qua thác được đứng ngáp, khi quân giặc đến thì con chó đã xông lên cắn xé đàn chó của quân giặc rồi nhảy xuống dòng nước xoáy. Quân giặc rút đi,  Lê Lợi sai quân lính đi tìm xác con chó và truyền lệnh cho chôn cất tử tế. Từ đó thác có tên theo tiếng người Thái là Ma Háo (chó ngáp), người dân đọc chệch đi là Ma Hao.

 

Nằm dưới chân núi Pù Rinh, ngay sát cạnh thác Ma Hao là bản Năng Cát, xã Trí Nang. Đây là bản làng vùng cao còn khá hoang sơ của đồng bào  dân tộc Thái với những nếp nhà sàn truyền thống hầu như còn nguyên sơ từ cổ xưa ẩn dấu nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc.  Nơi đây quanh năm khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình khoảng 15-18 độ C, lại được thiên nhiên ban tặng cho nhiều thắng cảnh đẹp nổi tiếng như thác Ma Hao, thác Mây. Không chỉ đa dạng về sinh cảnh, bản Năng Cát còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa nguyên sơ của  đồng bào người Thái. Bản Năng Cát hiện có 124 hộ thì có tới 122 nhà sàn, một  không gian kiến trúc độc đáo hiếm có ở các bản vùng cao, với kiểu kiến trúc nhà sàn cổ của người Thái miền Tây Thanh Hóa vừa cao, rộng, thoáng, tạo nên một quần thể kiến trúc đẹp và thơ mộng. Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của đồng bào dân tộc Thái  trên địa bàn xã Trí Nang, năm 2015 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại xã Trí Nang.

 

Để khai thác tốt tiềm năng du lịch của địa phương, huyện Lang Chánh đã xây dựng đề án quy hoạch phát triển quần thể du lịch sinh thái khu thác Ma Hao và bảo tồn bản nhà sàn nguyên sơ làng Năng Cát và khu nuôi cá hồi. Theo đó, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vào khu vực thác Ma Hao và bản Năng Cát - bản nhà sàn nguyên sơ dân tộc Thái, phát triển du lịch theo mô hình du lịch cộng đồng. Đồng thời, huyện tập trung đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tham quan di tích, lịch sử, văn hóa, huy động mọi nguồn lực để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù như bảo tồn canh tác các loại nông sản bản địa rau sạch, gạo nếp cái, tám thơm, chăn nuôi trâu, bò, lợn cỏ, gà đồi, nuôi cá hồi, cá tầm, cá lăng...  Khu vực này còn được thiên nhiên ban tặng những mó, hồ nước quanh năm mát mẻ nhiệt độ không cao quá trên 20 độ C đáp ứng yêu cầu nuôi cá hồi - một loại cá đặc sản, thịt ngon và rất quý giá chủ yếu sinh sống ở vùng nước lạnh các nước  châu Âu. Từ tiềm năng đó, huyện Lang Chánh đã quy hoạch xây dựng trang trại nuôi cá tầm, cá hồi với quy mô trên 800m2 mặt nước  trong  tổng quy hoạch trang trại khoảng 1,6 ha nằm trong lòng dãy Pù Rinh, thuộc xã Trí Nang. Tính đến năm 2017, trang trại này đã sản xuất được 22 tấn cá hồi được xuất bán, giá trị đạt 7-8 tỷ đồng, trung bình đạt 6-7 tấn cá/năm. Với những chính sách và kêu gọi đầu tư hợp lý, tin tưởng rằng trong tương lai không xa, Khu du lịch sinh thái thác Ma Hao - bản làng nguyên sơ Năng Cát và các hoạt động lễ hội tín ngưỡng của  lễ hội chùa Mèo, xã Quang Hiến sẽ tạo thành một quần thể du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hấp dẫn của ngành du lịch tỉnh nhà./.

Nguồn: thanhhoatourism.gov.vn

Tin tức mới Xem tất cả